Niệm Phật: Tịnh Tọa Niệm Phật
==========
Khi bước vào con đường Phật Pháp, chọn pháp môn Tịnh độ, dù đi đứng nằm ngồi chúng ta đều có thể niệm Phật. Tuy nhiên, tịnh tọa niệm Phật là điều không thể thiếu, đây là công phu tu tập ở trạng thái tĩnh. Ở trạng thái động là đi đứng, tâm dễ bị xao động bên ngoài, nên khi ở tư thế ngồi thì tâm ta sẽ an tĩnh hơn. Có một số người lớn tuổi, việc ngồi sẽ khó khăn, nên họ có thể nằm. Tôi cũng nhớ câu chuyện bà cụ hơn 100 tuổi nằm niệm Phật vãng sanh, bên cạnh rất nhiều con cháu chắt. Niệm Phật không chấp vào hình thức, chỉ cần thành tâm niệm, thành tâm phát nguyện về Tây Phương Cực Lạc là được.
Trong phần này tôi chỉ xin nói về tịnh tọa niệm Phật:
(Áp dụng sau khi cúng lạy hoặc bất kỳ lúc nào thấy thuận tiện, nên chọn nơi yên tĩnh, mát mẻ)
Chuẩn bị:
Bồ đoàn, tùy theo cơ thể lựa chọn loại phù hợp bản thân. Thường Bồ đoàn cao 5-7cm. Tấm nệm nhỏ để lót phía dưới bồ đoàn.
- Kiết già: 2 chân đan chéo để lên đùi, tư thế này khó, nhưng khi quen rồi rất chắc chắn
- Bán già: 1 chân xếp ở trên, 1 chân xếp ở dưới
Lưng giữ thẳng, không để cong, dễ bị gù đau nhức
Đầu thẳng với thân mình.
Mắt nhắm lại
2 tay thả lỏng, để trên gối; hoặc xếp lên nhau đặt chính giữa 2 chân tùy ý, miễn sao thấy thoải mái là được.
Hít thở sâu vài lần trước khi bắt đầu niệm Phật, hít bằng mũi cho hơi từ ngực dồn xuống bụng, ngừng 1 vài giây, thở ra nhẹ nhàng, thở ra bằng mũi.
Bắt đầu niệm Phật:
Phát nguyện vãng sanh:
Quy mạng lễ A Di Đà Phật
Ở Phương Tây Thế giới an lành
Nay con xin phát nguyện vãng sanh
Cúi xin Đức Từ Bi tiếp độ.
Sau đó chúng ta bắt đầu niệm Phật.
Khi niệm Phật, câu niệm phải liên tục, đều đặn, không ngừng, rõ từng chữ "Nam" "Mô" "A" "Di" "Đà" "Phật", không nhanh mà cũng không chậm. Tai lắng nghe tiếng mình niệm. Ý nghĩ đi theo câu niệm. Hãy nghĩ mình như đứa bé bị lạc đường, đang cần sự giúp đỡ, gọi tên cha mẹ của mình. Cha mẹ chính là Đức Phật A Di Đà.
Khi niệm Phật, câu niệm phải liên tục, đều đặn, không ngừng, rõ từng chữ "Nam" "Mô" "A" "Di" "Đà" "Phật", không nhanh mà cũng không chậm. Tai lắng nghe tiếng mình niệm. Ý nghĩ đi theo câu niệm. Hãy nghĩ mình như đứa bé bị lạc đường, đang cần sự giúp đỡ, gọi tên cha mẹ của mình. Cha mẹ chính là Đức Phật A Di Đà.
Trong quá trình niệm nếu có vọng niệm (là những suy nghĩ lung tung, nhảy nhót đủ kiểu) đừng sợ, cứ niệm Phật tiếp, từ từ những thứ này sẽ mất.
Lúc mới tập niệm Phật nên dùng chuỗi để niệm. Chọn loại chuỗi khoảng 108 hạt hoặc ngắn hơn, tùy ý. Dùng tay lần chuỗi, mỗi một hạt là một câu. Mình phải quy định cho mình, mỗi lần niệm Phật là đạt bao nhiêu chuỗi. Ví dụ chuỗi 108 hạt, niệm đủ 3 chuỗi, mỗi hạt là một câu niệm.
Nếu không có chuỗi hạt thì dùng bàn tay mình vậy, bàn tay có 10 ngón, một lần niệm là 10 câu, 1 câu niệm là 1 ngón tay. Trong quá trình niệm nếu có vọng niệm thì lặp lại từ đầu. Khi nào đủ 10 ngón tay liên tục không vọng niệm là đạt 1 bước tiến bộ.
Dĩ nhiên, có nhiều cách niệm Phật tùy theo từng người, không có phương pháp nào là tốt nhất cả. Quan trọng nằm ở cái tâm của ta muốn tu hành, muốn vãng sanh Cực Lạc.
Niệm Phật có thể theo điệu nhạc, hoặc niệm ngang ngang không lên không xuống (tôi niệm theo cách này). Chúng ta có thể thu âm tiếng niệm của mình vào máy điện thoại hoặc máy mp3, phát ra nho nhỏ vừa đủ nghe, rồi mình lắng nghe tiếng niệm của mình mà niệm theo.
Tiếng niệm Phật:
- Niệm thầm (mặc niệm): không phát ra tiếng, môi lưỡi miệng đều yên lặng không sử dụng năng lượng, chỉ bản thân mình nghe, đó là âm thanh của ý nghĩ. Niệm này dễ có vọng niệm và hôn trầm (buồn ngủ).
- Niệm thầm giống như trên nhưng có rung nhẹ môi lưỡi, cũng chỉ mình nghe được, loại niệm này dùng một ít năng lượng, do nhép miệng nên dễ khô miệng. Tuy nhiên giảm được vọng tâm.
- Niệm tiếng nhỏ (kim cang niệm): vừa đủ nghe, người kế bên có thể nghe nếu chỗ yên tĩnh. Tiếng niệm sử dụng năng lượng hơn loại trên, tuy nhiên giảm được vọng niệm, nhưng niệm lâu hơi khó.
- Niệm lớn tiếng (cao thanh niệm): thường sử dụng ở đạo tràng, hoặc hộ niệm. Niệm lớn tiếng có thể giúp chúng sanh hữu hình và vô hình đều nghe thấy và gieo duyên Phật pháp cho họ. Niệm lớn tiếng nên theo nhịp điệu, niệm lâu sẽ dễ dàng hơn. Niệm này mất nhiều năng lượng.
Đây là một số cách niệm, tùy theo bản thân mà thay đổi cho phù hợp, không nhất quán loại nào cả.
Kết thúc niệm Phật
Nếu ta ngồi niệm Phật hơi lâu, cơ thể bất động lâu thì cần vận động một chút cho khí huyết lưu thông tốt (ta gọi là xả. Tuy nhiên vẫn giữ tiếng niệm Phật).
- Đầu tiên: xoay và vận động 2 cổ tay, bàn tay, sau đó đến vai. Nhớ là vẫn ngồi yên, mắt vẫn nhắm.
- Tiếp theo: xoa và vỗ nhẹ nhẹ vào mặt, đầu, tai, gáy, cổ; bắt đầu mở mắt từ từ.
- Động tác cổ: gập ngửa, nghiêng trái phải, xoay trái phải, xoay tròn 2 bên. Làm từ từ, nhẹ nhàng.
- Vận động ngực lưng: vung vai và tay từ trước ra sau, ưỡn ngực hít sâu rồi thả 2 tay xuống kèm thở ra, làm vài lần; cúi người về trước kèm hít thở sâu vài lần; nghiêng người qua trái và phải kèm hít thở sâu vài lần; xoay nhẹ người qua trái và phải kèm hít thở sâu vài lần; dùng 2 tay vỗ vào 2 hông lưng vài lần.
- Vận động chân: thả 2 chân, cho 2 lòng bàn chân đối vào nhau, 2 tay nắm 2 bàn chân vận động gối và khớp háng bật lên và xuống giống như con bướm, làm vài lần; thả 2 chân cho thẳng ra, ngồi thoải mái, xoa bóp 2 chân đi từ bàn chân lên đùi, xoay xoay cổ chân, đầu ngón chân.
Khi cơ thể thoải mái rồi thì đứng lên hướng về bàn thờ (nếu không có bàn thờ thì đọc thầm):
Nguyện đem công đức này hướng về khắp tất cả đệ tử và chúng sanh đều trọn thành Phật Đạo.
Xá, đảnh lễ rồi kết thúc.
==========
"Nam-Mô sáu chữ Di-Đà,
Từ-bi tế-độ vậy mà chúng sanh.
Xưa nay Sáu Chữ lạnh tanh,
Chẳng ai chịu khó niệm sành thử coi.
Trì tâm thì quá ít-oi,
Bây giờ dùng thử mà coi lẽ nào.
Rạch tim đem để Nó vào,
Thì là mới khỏi máu đào tuôn rơi.
Để sau đến việc tả-tơi,
Rồi tu sao kịp chiều mơi cho thành.
Ngày nay chim đã gặp cành,
Chẳng lo đậu lại cho rành gió mưa."
(Sấm Giảng quyển 3 - Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH)
-------------
Nam Mô A Di Đà Phật
Tham khảo hướng dẫn tọa thiền của Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Link: http://batonrougebuddha.org/phuong-phap-toa-thien/
Tham khảo hướng dẫn tọa thiền của Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Link: http://batonrougebuddha.org/phuong-phap-toa-thien/