Chánh Đạo: Tôi Bỏ Nhà Đi Tu, Chứ Không Phải Bỏ Nhà Đi Ngủ
==========
Tảng đá có chữ "Chết" |
Chú hai Mài cũng là người có gia đình, có con cái, công việc gia đình đã ổn, chú giác ngộ, lên núi Cấm ở một cái thất để tu. Khách hành hương thường lên nơi đây nghỉ ngơi cúng lạy, trao đổi việc tu hành. Chú thường trò chuyện chia sẻ việc tu cho mọi người, khuôn mặt chú đầy hoan hỉ, an lạc...
Trong lần cùng vợ và má nuôi lên núi Cấm, gặp chú hai Mài, chúng tôi ngồi trò chuyện, học hỏi cách tu tập của chú. Chú hai tu hành rất tinh tấn, chú có một chỗ ngồi niệm Phật gần tượng Quán Âm, chỗ ngồi bằng đá có khắc chữ "Chết". Mỗi tối chú ngồi ở đó và niệm Phật đến sáng. Tôi nghe nói không ai ngồi ở đó lâu được, có lần một người ngồi vào niệm Phật thì thấy có những vị tu hành khuất mặt(???) đến nhắc họ không được ngồi chỗ đó vì nó dành cho chú hai Mài... Ngồi nói chuyện với chúng tôi, chú rất thân thiện, giản dị, luôn tươi cười với câu A Di Đà Phật. Vợ tôi hỏi chú: "Ban ngày chú ngồi võng suốt, ban đêm thì ngồi trên đá hoặc ghế niệm Phật vậy thì không ngủ sao?". Chú cười trả lời ngay: "Tôi bỏ nhà đi tu, chứ không phải bỏ nhà đi ngủ, nếu muốn ngủ thì về nhà mà ngủ, đi lên đây làm gì". Chú vừa cười vừa nói. Chú nói giai đoạn đầu, chỉ có một mình ở chỗ này, rất hoang vắng, tâm trạng đầy lo âu, sợ sệt, nhưng rồi quen dần. Chú nói tiếp, niệm Phật dễ buồn ngủ lắm nhưng mình phải cố gắng, mở điện thoại báo thức, cứ 1 giờ/lần, đang ngủ gục thì nghe chuông, tỉnh lại niệm tiếp, riết từ từ quen nên thức luôn...
=========
Chuyện Bên Thầy
TU QUANH VÀ TU TẮT
Lúc Đức Thầy bị thực dân Pháp an trí tại làng Nhơn Nghĩa, Cần Thơ, thì sự lui tới của các tín đồ đã gặp nhiều trở ngại. Tuy vậy có một số xả thân mộ đạo hằng len lỏi đến thăm.
Ông Hai Huê và ông Ba Ngà là hai trong những người mộ đạo kể trên, đã chèo thuyền từ Phú An, Tân Châu đến Nhơn Nghĩa để thăm Thầy. Trên đường đi hai ông đã đồng ý với nhau, là khi đến nơi, ông Ngà sẽ xin phép Đức Thầy cho ông được ở lại để hầu hạ Ngài, còn ông Huê sẽ chèo ghe về một mình.
Khi đến nhà ông Hương Bộ Thạnh, nơi Đức Thầy tạm trú, sau 24 giờ thăm viếng và nghe lời huấn dụ, ông Ba Ngà trình với Đức Thầy ý định ở lại hầu hạ Ngài. Đức Thầy không nói gì, đôi mắt từ bi nhìn ông Ngà với vẻ cảm động, rồi Ngài đi thẳng vào phòng. Lúc sau trở ra, Ngài trao cho ông Ngà 7 đồng bạc và nói:
– Ông muốn tu về cất cốc ở sau nhà mà tu, và đây là 7 đồng bạc, ông hãy cầm lấy đi đường.
Ông Ngà do dự không muốn lấy, thưa rằng:
– Con đi ghe không tốn tiền.
Đức Thầy bảo:
– Thầy cho thì phải nhận, rồi sẽ rõ!
Khi về đến Tổ Đình Hòa Hảo thì ông Ba Ngà lâm bịnh, ông Hai Huê phải chèo một mình về Phú An báo cho thân thuộc ông Ngà hay. Hôm sau ông Ngà được người nhà mướn xe ngựa đến Tổ Đình chở về nhà.
Đúng bảy ngày từ hôm giã biệt Đức Thầy thì ông Ngà bỏ xác. Mộ phần chôn cất phía sau nhà ông, dưới một túp nhà mồ theo phong tục thời đó, cất để che mưa che nắng cho người chết. Chín hôm sau nữa ông Hai Huê đến Xà No báo tin cho Đức Thầy hay, nhưng ông chưa kịp nói thì Đức Thầy đã bảo:
Đúng bảy ngày từ hôm giã biệt Đức Thầy thì ông Ngà bỏ xác. Mộ phần chôn cất phía sau nhà ông, dưới một túp nhà mồ theo phong tục thời đó, cất để che mưa che nắng cho người chết. Chín hôm sau nữa ông Hai Huê đến Xà No báo tin cho Đức Thầy hay, nhưng ông chưa kịp nói thì Đức Thầy đã bảo:
– Kiếp sống của ông Ba Ngà chỉ có bấy nhiêu đó thôi!
Ông Hai Huê thực thà bạch với Đức Thầy rằng:
– Không biết ông Ba ngà chết như vậy mà linh hồn có được an ổn để tu hành không?
Đức Thầy đáp:
– Thầy đã độ cho ông Ngà, nhưng đó chỉ là tu quanh vì ông Ngà mới vừa biết đạo kế thì bỏ xác.
Ông Hai Huê liền hỏi tới:
– Bạch Thầy thế nào là tu tắt?
Đức Thầy giảng cho ông Hai Huê nghe:
– Nếu còn xác thịt, vừa lo làm ăn, vừa lo tu hiền, để tự mình sửa mình, độ người, khiến họ với mình đồng tu, thì đó là tu tắt.
Ông Hai Huê lãnh hội được tâm pháp của Đức Thầy. Từ đó ông vừa làm để sống, vừa nổ lực hoằng Pháp, hành thiện.
Thuật theo lời ông Nguyễn Văn Đô
Nam Mô A Di Đà Phật