Chánh Đạo:Xã Hội Đi Lên Từ Đâu
20/12/2016
==========
Từ nhỏ tôi đã được ba dạy lấy đạo đức làm đầu, dù nói hay làm gì vẫn nhớ đạo đức là cốt lõi, tôi bị đòn roi gần như mỗi ngày, nhờ vậy mà tôi đã trưởng thành từ những trận đòn đó, trong những đòn roi đó đều chứa chang tình yêu thương, ba luôn muốn tôi mở rộng tình yêu thương ra, mở rộng lòng từ bi hỷ xả để thực hành lời Phật dạy...
Tôi quyết định vào ngành y cũng vì tôi nhận thấy ngành y có thể giúp đỡ chia sẽ nỗi đau với nhiều người, tôi muốn làm nhiều điều tốt, đây chính là lý do tôi đã chọn và phấn đấu vì ngành y của mình. Phật dạy mọi người lấy từ bi, tình yêu thương mà đối đãi với nhau, nhờ có tình yêu thương mà mọi người sẽ nối kết, không còn oán thù, không còn đau khổ. Đối với tôi thực hành theo lời Phật dạy là chân lý là lý tưởng.
Oán không diệt được oán, chỉ có tình thương mới diệt được nó
Ngày nay nhìn thấy các em mới sau này, một số cũng như tôi, một số thì hiểu biết và có suy nghĩ khác, họ vì danh vì phận chứ không phải xuất phát từ tình yêu thương để đi lên, để cống hiến.
Các bậc phụ huynh thì chạy theo kiến thức, chạy trường, cho con mình học đủ thứ, nhìn các em học hành mang những ba lô cặp sách to hơn thân thể các em, càng thảm thương cho một xã hội thực dụng... Các bậc cha mẹ này cũng lấy tri thức cho con của mình làm nền tảng chứ không phải lấy đạo đức làm nền tảng.
Lãnh đạo đất nước chỉ biết nhồi nhét những thứ quan điểm chính trị, tư tưởng cộng sản, hàng loạt những kiến thức hiện đại cho học sinh, sinh viên, mà ít dạy cho các em tình yêu thương con người, yêu thương đất nước, rèn luyện cho các em thành những người có nhân, có đức. Vì những người có nhân có đức thì sẵn sàng phục vụ cho quê hương đất nước. Các bậc tiền nhân ngày xưa cũng phải bắt đầu bằng tình yêu thương dân tộc, yêu thương đồng bào, lấy đức phục nhân. Bây giờ thì nhà nước chúng ta làm ngược lại, lấy chính trị tư tưởng cộng sản để truyền cho các thế hệ, lấy tri thức để đưa đất nước lên trong khi nền tảng đạo đức chưa vững...
Tôi cũng thỉnh thoảng nói vài câu đùa với bạn mình: Mấy người cho con mình học Phật Pháp để dạy nó thành người tốt, trở thành thánh nhân đi, có thể nó không giàu có nhưng đảm bảo nó không khổ, không đói đâu.
Nhan nhãn khắp nơi chúng ta cũng thấy những người vì quyền lực mà tranh giành, chà đạp nhau, hạ bệ nhau. Những người vì danh phận, vì tiếng tăm, vì nổi tiếng dùng mọi thủ đoạn để nói xấu nhau.
Tội phạm ngày càng trẻ hóa, dễ dàng gây án mạng chỉ vì một bất đồng nhỏ...
Vì sao có những thứ này? Lý do là tri thức quá nhiều, kiến thức đầy dẫy, có lẽ đây là thời kỳ khủng hoảng về kiến thức, về tri thức (theo bản thân tôi). Mỗi ngày chúng ta đều tiếp nhận một khối thông tin khổng lồ từ nhiều phương tiện, tốt xấu lẫn lộn, chỉ cần lên internet là thông tin tràn ngập, nếu một người không được giáo dục đúng đắn thì dễ dàng bị cuốn vào đó, có thể tương lai của họ chưa bị ảnh hưởng nhiều, nhưng hậu quả sẽ tiếp nối cho thế hệ sau càng ngày càng tệ hơn, đạo đức sẽ xa rời, nhân tâm càng bạc bẻo... Bây giờ mà nói "nhân lễ nghĩa trí tín" thì mọi người nói là chúng ta lạc hậu, nói như ông già. Nhưng nhân lễ nghĩa trí tín chính là thước đo phẩm giá con người, là chuẩn mực cho một xã hội thánh đức thánh nhân. Trường lớp thiếu dạy điều này...
Trước đây khi chưa hiểu Phật Pháp tôi cũng còn ham muốn nhiều thứ, lao vào kiếm tiền như con nghiện, dùng mọi cách để kiếm ra tiền, nhưng may mắn nhờ Phật Pháp níu kéo lại nên không vướng vào cái bẫy của cuộc sống. Bây giờ đã ngộ Phật Pháp, tâm an lạc, thanh thản, nhìn lại những người xung quanh thì thương cho họ quá, họ vẫn còn đang bị vật chất cám dỗ...
"Chuỗi tràng từng hạt lần tay
Thương cho thế sự còn xoay luân hồi"
(Câu này tôi đọc được ở chùa Hoằng Pháp)
Vài lời tự sự
==========
Nam Mô A Di Đà Phật