Chánh Đạo: Bố Hùng
=========
Trong một chuyến đi nọ, tôi tình cờ gặp một chú, sau một lúc nói chuyện khoảng vài phút tôi gọi chú là bố Hùng. Chú kể: Cô chú không có con, nhưng cô chú rất tinh tấn tu hành, trì chú Đại Bi liên tục, trong đầu luôn văng vẳng tiếng trì chú, gia đình rất hạnh phúc tuy không có con... Chú còn kể về hoàn cảnh của chú, nhưng nghe cảm giác như chú đang nói hoàn cảnh của tôi, chính vì thế tôi đã gọi chú bằng bố Hùng...(tôi chẳng biết có cảm giác thân thuộc và muốn gọi chú bằng bố). Cảm giác kỳ lạ....
Tôi thầm cảm ơn bố Hùng đã nhắc nhở tôi quay về Phật pháp để không còn bon chen với đời nữa. Tôi nghĩ có thể đây là một vị Bồ Tát đã nhắc nhở tôi quay về với Chánh Đạo. Từ đó tôi bắt đầu trì chú, tôi tinh tấn hơn, tăng số lần lên, linh ứng cũng từ đó xuất hiện... Càng ngày tôi nhận ra mình phải quay về với Chánh Đạo với Phật Pháp để thoát khỏi thế giới Ta Bà này...
Các Bồ Tát có nhiều hóa thân ứng theo cảnh để độ hóa chúng sanh
Tôi là người may mắn được nhắc nhở được gia hộ
==========Chuyện Bên Thầy
TÙY CƠ HÓA ĐỘ
Anh Năm Tính người ở tỉnh Phú Yên, Trung Phần, di cư vào miền Nam từ năm 1940 ngụ tại nhà ông chủ Trưởng Chân xã Kiến An, quận Chợ Mới, An giang. Vốn người chất phát làm ăn, nên ở đây ai cũng mến thương và anh cũng trở thành tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo từ độ ấy.
Nhơn một buổi tiếp chuyện với ông cả Mười, ông thấy anh Tính có lòng nhiệt thành đối với Đạo, nên kêu anh đi với ông lên Sai gòn thăm Đức Thầy một lần. Anh Tính rất vui mừng và xin được cùng đi theo. Chuyến đi nầy gồm có ông cả Mười, ông Lâm Thơ Cưu, anh Tính và một ít anh em đồng đạo khác. Trời vừa rựng sáng, con thuyền từ từ tách bến, lướt nhanh trên giòng nước cuồn cuộn đưa đi, anh em cứ luân phiên chèo không ngừng nghỉ, suốt ba ngày đêm mới tới.
Thời gian nầy, Đức Thầy ở số 168 đường Lefèvre, Sai gòn. Hôm ấy mọi người đều lên hết, duy có anh Tính ở lại giữ ghe và cùng chờ người hướng dẫn xin phép với Đức Thầy xong mới được lên.
Anh ở tại ghe đợi tới chiều, không thấy ai xuống hết, bèn bước lên đường đi thơ thẩn gần tới ngang cửa lầu chỗ Đức Thầy ở.
Lúc bấy giờ Đức Thầy đang nói chuyện với số tín đồ ở các tỉnh, Ngài bèn đứng phắt dậy, khoát cánh cửa, đưa tay ngoắc anh Tính vào, giữa lúc ấy mọi người đều ngạc nhiên.
Được lịnh Thầy, anh Tính rất mừng rỡ, nhưng cũng phập phồng lo sợ, nên vừa đi vừa niệm Phật. Vào đến nơi, Đức Thầy chỉ chiếc ghế bảo anh Tính ngồi và hỏi:
– Ông ra đây làm gì?
– Con ra đây thăm Thầy và nhờ Thầy chỉ cho phương pháp để về lo tu hành.
– Ông muốn tu để được như thế nào?
– Con hiện giờ không vợ, không con nên muốn tu giải thoát. Bạch Thầy!
Đức Thầy lấy quyển Khuyến Thiện in khổ nhỏ trao cho anh Tính và dạy rằng:
– Ông đem về xem theo đây mà tu giải thoát.
Được Đức Thầy tặng cho quyển Giảng, anh Tính cảm thấy lòng mình thơ thới, tràn ngập nỗi vui mừng. Khi về nhà anh Tính học thuộc lòng quyển Khuyến Thiện và thường suy nghiệm nghĩa lý trong đó. Nhờ thế, chẳng bao lâu anh thấu đạt con đường hành đạo, lo chuyên trì Lục Tự và tránh mười điều ác. Đời sống anh không bị ngoại vật chi phối và sự tu hành càng ngày càng tiến triển.
Sau thời gian, trong chuyến đi buôn nồi, anh vừa đến vàm kinh xáng Vĩnh Hanh, anh định ghé lại để bán số nồi, kế anh bị trúng gió khá nặng. Xóm nầy nhằm anh em tín hữu thuộc Đại Đạo Tam Kỳ. Họ hết lòng lo chạy thuốc men cho anh, nhưng không giảm được. Các vị ấy bèn hỏi:
– Nếu anh có từ trần, chúng tôi làm lễ theo nghi thức đạo Tam Kỳ được không?
Anh Tính gượng gạo trả lời:
– Tôi cám ơn quí ông nhiều lắm, nhưng tôi đã qui y theo Phật Giáo Hòa Hảo rồi. Vậy xin quí ông làm lễ an táng tôi theo nghi thức Phật Giáo Hòa Hảo.
Nói xong anh Tính nằm xuôi tay thẳng chân mà niệm Phật, và hơi thở anh từ từ dứt hẳn.
(Thuật theo lời cô Mai Yến)
Nam Mô A Di Đà Phật