Chánh Đạo: Ngũ Nguyện Cầu
Tháng 11/2016
==========
Tháng 11/2016
==========
Trung tuần tháng 11 này tôi cùng gia đình về Vườn Bồ Đề dự khóa tu 49 ngày (tôi chỉ dự được 3 ngày cuối). Bấy lâu nay bản thân thường thắc mắc không hiểu lắm bài Ngũ nguyện cầu của Đức Thầy chỉ dạy, bài cúng như thế này:
Nam mô nhứt nguyện cầu: Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhơn Hoàng, Liên Hoa Hải Hội, Thượng Phật từ bi, Phật vương độ chúng, thế giới bình an
Nam mô nhị nguyện cầu: Cửu Huyền Thất Tổ tịnh độ siêu sanh
Nam mô tam nguyện cầu: Phụ mẫu tại đường tăng long phước thọ thọ, phụ mẫu quá khứ trực vãng Tây Phương
Nam mô tứ nguyện cầu: Bá tánh vạn dân từ tâm bát ái, giải thoát mê ly
Nam mô ngũ nguyện cầu: Phật Tổ, Phật Thầy từ bi xá tội đệ tử tiêu tai tịnh sự, trí huệ thông minh giai đắc đạo quả
Tôi thường thắc mắc tại sao nguyện đầu tiên cầu cho thế giới, mãi đến nguyện thứ tư mới đến bá tánh vạn dân, chính giữa lại nguyện cho cha mẹ và cửu huyền, trình tự như thế này làm tôi chưa giải thích được. Trong lúc ngồi niệm Phật tại chánh điện bổng nhiên tôi chợt ngộ ra chân lý này. Quả thật mình chỉ dùng cặp mắt thịt của một phàm phu ngu muội để nhìn nên không hiểu được trí tuệ của Phật.
Đây là một số điều tôi nhận ra được:
1. Đi ngược từ nguyện cầu thứ 5 trở lên, ta thấy rằng, bắt đầu bằng bản thân mình biết ăn năn, sám hối, điều đó cũng có nghĩa là mình đã biết quay đầu, sự giác ngộ tu hành sẽ giúp chúng ta từng bước khai mở trí tuệ. Rồi tâm từ bi sẽ nảy nở, đó chính là bồ đề tâm, nguyện cho bá tánh "Từ tâm", có nghĩa là thấy Phật tánh, là giác ngộ là biết yêu thương nhau, khi có điều này thì bá tánh không còn u mê điên đảo. Khi tâm là bồ đề, như một Bồ Tát, tâm sẽ bao trùm vạn chúng sanh, dĩ nhiên trong đó có tam nguyện cầu là cha mẹ (hiện tiền, quá khứ), nhị nguyện cầu có Cửu Huyền (Cửu Huyền cũng chính là vạn chúng sanh), khi tất cả đều đạt đến thiện mỹ thì tự ắt nhứt nguyện cầu thế giới sẽ hòa bình, an lạc.
2. Đức Thầy đưa nguyện thứ nhứt để nhắc nhở chúng ta trong thời kỳ Mạt Pháp này lấy thế giới hòa bình là quan trọng nhất, vì đây là cứu cánh của chúng sanh, một ngày hòa bình thì có hàng vạn người giải thoát, cũng như "Nhứt nhựt quán". Mặt khác, trong đại nguyện này thầy cũng mong muốn chúng ta là những đóa liên hoa tỏa hương Pháp Phật, muốn chúng ta tiếp nối cùng Đức Thầy hãy là những vị Phật, Bồ Tát tại dương thế này, mỗi người một đóng góp cho sự hòa bình, yêu thương.
3. Cả 5 nguyện cầu, chỉ có một nguyện dành cho cá nhân, 4 nguyện còn lại đều là tâm Bồ Đề. Vì sao? Vì chúng ta tu không phải cho bản thân mình, hãy lấy từ bi hỷ xả, lấy tình yêu thương vô lượng của chư Phật, Bồ Tát làm ý chí phần đấu, như câu "Chúng sanh quán". Phật vì chúng sanh mà thành Phật.
4. Trong đại nguyện thứ nhứt có câu "Liên Hoa hải hội", Đức Thầy mong muốn chúng ta cố gắng tu hành, tọa ngự trên hoa sen để dự hội Long Hoa, hội của tình yêu thương không phân biệt, của lòng từ bi hỷ xả, của vạn pháp nhất như. Mà muốn tọa ngự trên hoa sen thì chúng ta phải biết tu hành, sám hối, thành tựu đạo nghiệp.
5. Đức Thầy cũng khuyên chúng ta đi từng bậc một, bắt đầu từ bản thân (nguyện 5) rồi đến nguyện 4 (để thực hiện được nguyện thứ tư này chúng ta từng bước mở rộng tâm mình cho đến khi đạt đến thành tựu là nguyện thứ nhứt). Vì Tây Phương có chín phẩm nên sự mở rộng tâm từ bi, trí tuệ cũng phải từng bậc mà lên. Đức Thầy muốn chúng ta tu là phải tiến, chứ không phải tu lùi, tâm Bồ Đề phải rộng mở như chư Phật, Bồ Tát.
6. Các nguyện cầu đều bắt đầu từ Nam mô, mà Nam mô là quay về, là nương tựa. Chúng ta niệm Nam Mô A Di Đà Phật có nghĩa là chúng ta nương tựa Phật (cũng là Phật tánh), phấn đấu tu hành giải thoát giống như Phật. "Nam mô" trong 5 nguyện cầu cũng là nương tựa 5 nguyện này để tu hành, để thành tựu đạo nghiệp, để ngồi Liên Hoa mà dự hội Long Hoa, chứ 5 nguyện cầu này không chỉ đọc suông, mà cũng không phải đơn thuần là cầu nguyện mà cần có sự thực hành và giúp người khác cùng đạt thành tựu đạo nghiệp.
==========
Chuyện Bên Thầy
TÔI SẮM CÂY DÙ
Lúc Đức Thầy an trí tại Bạc Liêu, một buổi chiều đẹp trời, Đức Thầy đang hóng mát nơi thanh vắng, nét mặt Ngài lộ sắc buồn, hướng mắt về Phương Tây. Anh Nguyễn Thành Nhân, một tín đồ động lòng, vì thấy Thầy phải đương đầu với mọi nỗi khó khăn; nào thực dân Pháp kềm kẹp chúng bắt Ngài phải đi trình báo mỗi tháng 4 lần; nào ngăn cấm không cho tín đồ đến thăm và nghe pháp. . .vv. Vì muốn chia sớt nỗi buồn của Thầy mình và được nghe lời chỉ giáo, nên anh Nhân đến bạch Ngài:
– Bạch Thầy, mới như vầy mà mình chịu chưa nỗi mà Thầy còn nói: “Khổ với thảm ngày nay có mấy, Sợ mai sau dòm thấy bay hồn.”
Đức Thầy nhìn anh Nhân và nói hơi mạnh:
– Tôi sắm cây dù, tôi không thể che kèo cán nó hay sao.
Nói xong Ngài nhìn lại phía trước và dịu giọng tiếp:
– Tuy nhiên kèo cán ấy phải ở trong cây dù.
Thuật theo lời ông Nguyễn Thành Nhân
Nam Mô A Di Đà Phật