Nhật Ký: Đồng Môn Y
==========Gặp lại đồng môn, chúng tôi trao đổi chuyện Phật Pháp, bạn tôi đã quy y và nương theo thiền minh sát để tu tập. Tôi hỏi cơ duyên quay về Chánh Đạo như thế nào?
Bạn tôi trả lời lúc mới ra trường ăn chơi sa đọa, mỗi ngày đi ăn nhậu với bạn bè, cứ 1 kết bia/ngày, gần như say xỉn, có lẽ lý do này mà chia tay vợ. Nhiều khi có những nỗi buồn vô cớ xuất hiện. Hôm đó người say xỉn, nhớ mẹ (mẹ đã xuất gia có một tịnh thất nhỏ trong thiền viện), bạn tôi đến đó và cảm giác nơi đây vắng vẻ, yên tịnh, vậy sao họ vẫn sống và rất an nhiên... Hôm sau có một vị thiền sư đến giảng Pháp cho mọi người, anh ta lúc đầu không chịu đến nghe, nhưng sau đó cũng đến, lắng nghe. Khi gặp vị sư đó cảm giác rất lạ, sau buổi thuyết Pháp, sư đã gặp người bạn của tôi và kể từ đó cuộc đời mới đã thay đổi trong anh ta. Anh ta đã giảm rượu, biết kiểm soát bản thân, thiền định, lắng nghe mọi người... Anh ta còn nói, trước đây anh ta rất nóng nảy, mẹ anh ta phải lấy một tấm tranh sơn mài có bốn câu thơ của vị thiền sư khuyên nhủ kiểm soát cơn nóng giận, treo trong phòng của anh ta. Bây giờ thì bức tranh đã được tháo ra rồi...
Tôi cũng được biết chút ít về thiền minh sát (lấy sự quan sát bằng trí tuệ, theo dõi nó và đạt tới thiền định), ví như một cơn ngứa lúc ngồi thiền, chúng ta quan sát, diễn biến và kết thúc như thế nào...
Chúng tôi trao đổi nhau khá lâu, tôi cũng có hỏi cách chế ngự cơn nóng giận như thế nào. Anh ta nói, khi nóng giận thì ra chỗ khác, kiếm nhiều thứ khác để làm, hít sâu vào rồi lại thở ra và làm như thế, hoặc kiếm nước mà uống để hạ quả. Tôi rất vui vì cũng có thêm một người bạn biết quay đầu về Phật Pháp. Đối với tôi biết Phật Pháp từ nhỏ và giác ngộ trong quá trình bôn ba kiếm tiền; còn đối với bạn tôi ăn chơi sa đọa, có công danh sự nghiệp bền vững, được tiếp cận khoa học, được du học, học hỏi nhiều kiến thức mới (mọi thứ đều ở ngưỡng cao), sau đó mới quay đầu. Quả thật, nếu phước của một người quá lớn thật khó mà quay đầu về với Chánh Pháp của Đức Phật.
Trong lần đi du học qua Nhật, bạn tôi nói, chỗ ở rất yên tỉnh, anh ta còn nói quả thật những người Nhật họ đã thiền hết rồi mới có thể sống và làm việc như vậy được. Cũng nhờ ở Nhật 4 năm mà con đường đạo của anh ta đã thăng tiến đáng kể, được học và tìm hiểu sâu về Phật Pháp và có cơ hội để thiền định giúp anh ta rất nhiều trong công việc, cuộc sống cũng như con đường Đạo.
Thiền minh sát là tiểu thừa, anh ta nói đây là con đường khó, ít người đi so với đại thừa, nhưng đã đi là sẽ đến. Anh ta được một lão tăng khuyên tu hành cố gắng đạt quả nhập lưu (ra sông lớn về biển). Anh ta nói thêm, có những người lúc mới tu rất hăng say, gặp mọi người hay nói nhiều, hay một số người muốn dục tốc để thành tựu, điều này thật nguy hiểm, như người dùng thuốc hay nước uống kích thích, ngồi thiền định, cảm giác như thiền rất cao nhưng rồi bị sa ngã, lạc lối, dễ vào ma đạo. Một số người khi thiền định có cảm giác dễ chịu, lại thích thú mong muốn tìm cảm giác đó nhưng chính nó làm mình phiền não vì phải tìm nó trở lại. Tôi cũng kể trường hợp má nuôi của tôi niệm Phật có cảm giác an lạc, sau 3 ngày mất, mong muốn tìm lại nó nhưng không được...
Nam Mô A Di Đà Phật