Chuyển đến nội dung chính

Nương tựa


Niệm Phật: Nương Tựa
==========
   Trong chuyến đi về Đại Tòng Lâm, khoảng trưa 10 giờ, trời cũng đỗ nắng hơi gắt, tôi cùng một số người lạy Phật, niệm Phật, có một dãy tượng Phật, chúng tôi lần lượt lạy từng tượng. Bỗng cô gái trẻ nói lớn lên: "A! Em biết rồi, núp dưới bóng của tượng Phật lạy sẽ không bị nắng". Tôi nhìn qua cô gái đó, chợt tôi hiểu đến sự nương tựa, tha lực của chư Phật. Tôi không để ý nắng hay không nắng, tôi cứ lạy tiếp. Sau khi lạy xong nhìn lại thì tôi nhễ nhại mồ hôi còn cô gái vẫn khoẻ khoắn. Tôi cười, mình cũng hiểu thêm bài học nhỏ này... Đó là sự nương tựa hay nương nhờ vậy.
   Một lần nọ, tôi về quê, sau một lúc nói chuyện cùng mẹ, mẹ tôi vì bất đồng ý kiến với anh tôi và chị dâu nên gia đình thường xuyên sinh nhiều chuyện, mẹ tôi uất ức nhiều, mẹ vừa kể vừa tức tối, tôi cũng cảm nhận điều đó, lúc đó tự nhiên trong lòng tôi lòng sân hận dâng lên rất mạnh, tôi biết nó đang dâng lên. Quả thật kiểm soát sân hận đối với tôi không phải là việc dễ dàng gì. Tôi nguyện thầm với Đức Thầy: "Con đang sân hận, nhờ ơn Đức Thầy từ bi thương xót gia hộ cho con, để con không con không còn sân hận nữa". Tôi vừa cầu nguyện xong thì có một nguồn năng lượng từ trên trùm xuống người tôi. Một nguồn năng lượng rất an lạc, rất hạnh phúc (cảm giác an lạc hạnh phúc tôi có lần đầu khi gặp ba tôi trong mơ, giấc mơ "nơi ba ở", chính vì thế khi có nguồn năng lượng này tôi cảm nhận được ngay), lòng trào dâng sân hận của mình bắt đầu rút xuống thay vào đó là năng lượng của sự an lạc, bao trùm lấy tôi như một cái lồng. Lúc đó những gì mẹ nói không còn tác động vào tôi nữa, tôi chỉ tập trung để cảm nhận nguồn năng lượng kỳ lạ đó... Sau này tôi mới hiểu rõ đó là năng lượng của Từ Bi Hỷ Xả. Chỉ có các vị Bồ Tát, Phật mới có nguồn năng lượng này...
   Giờ đây tôi lại hiểu thêm một việc quan trọng là: khi niệm Phật hoặc khi gặp những việc tác động làm mình sân hận, tham lam... Thì phải biết nương tựa ánh sáng, hào quang, năng lượng của chư Phật, Bồ Tát vì mình chỉ là một phàm phu ngu muội.  Tôi xem mình như một đứa bé đang đứng chập chững phải nhờ cha mẹ dìu tập đi, rồi từng bước mà trưởng thành...
   Điều này cũng tương tự như Tha lực tiếp dẫn Tây Phương của Đức Phật A Di Đà vậy.
==========

Kinh Na Tiên Tỳ Kheo
   Nội dung kinh Na Tiên Tỳ kheo ghi lại những lời vấn đáp giữa Tỳ kheo A la hán Na Tiên (Nàgasena-người Trung Ấn, có nơi nói Tây Bắc Ấn Độ, vào khoảng nửa cuối thế kỷ thứ II trước Tây lịch) và vua Di Lan Đà (Milinda) tại thủ đô Sa Yết La (Sàkalà, cũng viết là Sàgala) thuộc vùng thượng lưu Ngũ Hà. Trong phần nói về “Nhân ít, quả nhiều”, vua Di Lan Đà hỏi Tỳ kheo Na Tiên như sau:
-Bạch Đại đức, các sa môn trong hàng ngũ của Đại đức bảo rằng những kẻ có quá khứ không tốt, đã từng làm ác, nhưng đến khi lâm chung biết nghĩ tưởng đến Phật thì được sinh lên các cõi trời. Quả thật trẫm không tin được điều đó.
Tỳ kheo Na Tiên hỏi ngược lại nhà vua:
-Giả sử có kẻ cầm một hòn đá nhỏ ném xuống nước, hòn đá ấy nổi hay chìm?
- Thưa chìm.
-Bây giờ, có kẻ đem một trăm hòn đá lớn chất vào một chiếc ghe lớn đủ sức chở hàng ngàn tảng đá lớn thì trăm hòn đá ấy có chìm không?
-Thưa không?
-Đá không chìm là nhờ ghe chở. Cũng giống như thế, người làm ác khi chết biết tưởng nhớ đến Phật, được Phật lực nâng đỡ nên không đọa vào địa ngục mà lại sinh lên các cõi trời. Hễ ai tin Phật và tưởng nhớ đến Phật thì khi lâm chung đều được Phật tiếp độ (Kinh Na Tiên Tỳ kheo, Cao Hữu Đính soạn thuật, Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế ấn hành, 1996).
==========
Tha Lực Tiếp Dẫn Tây Phương
Bổn Nguyện Di Đà độ mười phương
Phàm phu tu niệm cứ giữ thường
Niệm Phật quyết cầu sanh Tịnh độ
Tha lực Di Đà tiếp Tây Phương. 
   Pháp môn Tịnh độ là pháp môn khó tin, dị hành đạo. Chúng ta là phàm phu thì không thể lý giải hết sự thù thắng của Pháp môn này. Sự vi diệu không thể nghĩ bàn. Trí tuệ của chúng ta so với Chư Phật thì giống như ánh sáng đôm đốm so với ánh sáng mặt trời vậy, không thể so sánh được. 
   Tịnh độ niệm Phật A Di Đà, lấy Tín trong Tín - Nguyện - Hành làm căn bản. Tín là tin, là tin tuyệt đối vào sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà, tin tuyệt đối mình vãng sanh. Mình không tin mình thì ai tin mình. Ví như một người đau khổ sắp chết đang cần ta giúp đỡ, cứu sống. Ta đâu cần xem người đó là tốt hay xấu tính, siêng hay không siêng... mới chịu cứu. Công việc của ta gặp nạn là cứu. Chỉ cần người đó tin tưởng tuyệt đối thì ta sẽ cứu họ. Cũng vậy tha lực của Đức Di Đà không thể nghĩ bàn, Đức Phật xem chúng sanh là bình đẳng vì còn luân hồi nên Phật mới dùng tha lực tiếp dẫn không phân biệt. Dù chúng ta có theo Bổn nguyện niệm Phật, hay Bất niệm tự niệm, hay Nhất tâm bất loạn thì cũng như nhau. Nếu tôi không về vườn Bồ đề và không được câu trả lời "Cả hai cái đều như nhau" có lẽ tôi cũng chưa hiểu hết sự thù thắng của Pháp môn này (bài: Cả hai cái đều như nhau, link: https://vo-nga.blogspot.com/2016/11/giac-mo-ca-hai-cai-eu-nhu-nhau-con.html).

   Tùy theo căn cơ, sự hành trì mà phẩm vãng sanh cao hay thấp. Đối với một kẻ tạo nghiệp chướng quá nặng mà muốn thành tựu đạo quả trong thời Hạ ngươn Mạt pháp này quả thật cực kỳ khó. Nếu không có pháp môn Tịnh độ thì không thể cứu những hạng này. Pháp môn Tịnh độ dù chúng ta là hạ căn ngu muội hay thượng căn trí tuệ thì đều có thể hành trì. Như Đức Thầy dạy: 
"Dầu Tiên, Phàm, Ma, Quỷ, Súc sanh
Nếu nhứt tâm Tín, Nguyện, Phụng hành
Được cứu cánh về nơi an dưỡng
Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi."
   Tín không phải do rèn luyện mà có, mà nó đã nằm sẵn trong tâm của chúng ta. Nó nằm sâu thẳm trong đó. Ví như ta gặp người đau khổ, cảnh lũ lụt ta tự bộc lộ sự đồng cảm yêu thương những người hoạn nạn này. Cái tình thương đó nó không cần luyện tập mà mọi người sẵn có, đó là bổn tánh hay Phật tánh. Vì vậy chữ Tín trong tha lực chính là bổn tánh, nó cần phải bộc lộ ra thì thành quả đạo nghiệp vãng sanh tất thành tựu. Đó là sự thù thắng vi diệu. Nên một người tạo ác nghiệp nhưng thành tâm sám hối, phát nguyện vãng sanh, cái bổn tánh này được phát lên, bổn tánh đó đồng với Bổn nguyện của Đức Di Đà thì vãng sanh là chắc chắn.
==========
Nam Mô A Di Đà Phật

Được Xem Nhiều

Hít Vào Tâm Phẳng Lặng, Thở Ra Miệng Mỉm Cười

Chánh Đạo: Hít Vào Tâm Phẳng Lặng, Thở Ra Miệng Mỉm Cười Ngày 8/9/2016 ==========     T rong lúc mọi người đang chuẩn bị cho lễ cưới của người cháu vợ, tôi tranh thủ chạy đến tịnh xá Lan Nhã Kỳ Viên, trước là cúng lạy, hai là tôi hy vọng gặp được sư phụ để giúp tôi giải được khúc mắc trong tâm mình.       Phong cảnh nơi đây yên tĩnh, vắng lặng, mát mẽ. Tôi bước vào chánh điện lạy Phật. Trong quá trình cúng lạy tôi nghe giọng một người nữ đang trò chuyện cùng sư trụ trì. Hôm nay tôi đã có may mắn gặp sư phụ rồi (đây là lần thứ hai tôi được gặp, lần đầu gặp sư phụ khi tôi 11 tuổi lúc đó ba vừa mất). Vào đảnh lễ tổ Minh Đăng Quang, tôi cầu nguyện sự gia hộ để có thể dẹp bỏ được những vọng tưởng, chiến thắng tham sân si. Tôi lễ bái xong, ngồi xuống, thì bổng nhiên người nữ lúc nãy hỏi sư phụ cách diệt trừ sân hận trong lòng. Rồi tôi nghe một câu pháp: "Hít vào tâm phẳng lặng, thở ra miệng mỉm cười" . Tôi vui mừng lắm, câu này rất đúng với tâm ý của mì...

Ngũ Nguyện Cầu

Chánh Đạo: Ngũ Nguyện Cầu Tháng 11/2016 ==========       T rung tuần tháng 11 này tôi cùng gia đình về Vườn Bồ Đề dự khóa tu 49 ngày (tôi chỉ dự được 3 ngày cuối). Bấy lâu nay bản thân thường thắc mắc không hiểu lắm bài Ngũ nguyện cầu của Đức Thầy chỉ dạy, bài cúng như thế này: Nam mô nhứt nguyện cầu: Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhơn Hoàng, Liên Hoa Hải Hội, Thượng Phật từ bi, Phật vương độ chúng, thế giới bình an Nam mô nhị nguyện cầu: Cửu Huyền Thất Tổ tịnh độ siêu sanh Nam mô tam nguyện cầu: Phụ mẫu tại đường tăng long phước thọ thọ, phụ mẫu quá khứ trực vãng Tây Phương Nam mô tứ nguyện cầu: Bá tánh vạn dân từ tâm bát ái, giải thoát mê ly Nam mô ngũ nguyện cầu: Phật Tổ, Phật Thầy từ bi xá tội đệ tử tiêu tai tịnh sự, trí huệ thông minh giai đắc đạo quả     Tôi thường thắc mắc tại sao nguyện đầu tiên cầu cho thế giới, mãi đến nguyện thứ tư mới đến bá tánh vạn dân, chính giữa lại ...

Vượt Qua Thử Thách

Vượt Qua Thử Thách 24/10/2019   -----------------------     Từ trẻ cô đã biết đến Phật Pháp, tu hành khá tinh tấn. Sau khi lập gia đình, do bận bịu cuộc sống việc tu hành bị gián đoạn. Tôi biết đến cô nhờ một chuyến đi công tác. Gặp cô tôi cảm thấy rất thân thiện. Tuy nhiên trên khuôn mặt của cô luôn thể hiện sự sầu muộn, lo lắng. Các con của cô công việc chưa ổn định, người con trai không tích cực làm việc như mọi người, gây rất nhiều phiền não đến cho cô. Gia đình cũng không dư dả gì. Tôi với cô rất thân thiết như người trong gia đình.    Năm 2012 cô thấy sức khỏe yếu hẳn, đi kiểm tra, phát hiện mình bị ung thư. Cô hơi rối trí. Gian đoạn này gia đình đang có những trục trặc, khó khăn, tiền nong không có nhiều. Cô được đưa vào Sài Gòn chữa trị. Căn bệnh hành hạ cô rất nặng nề, lại thêm con cái chưa ổn định nên tinh thần của một người mẹ như cô càng bế tắc hơn. Mọi thứ bắt đầu đổ dồn về cho cô. Vì khó khăn về tiền bạc, nên cô dự định bán nhà, một phần dành ...