Năm 2016
Tôi ghé quán cơm chay ăn, nhìn thấy quán đang quyên góp tiền xây cầu, tôi cũng đóng góp một ít. Một thời gian sau, tôi gặp chủ quán hỏi việc xây cầu đến đâu rồi. Anh ta nói đã xong nhưng khuôn mặt đầy ngán ngẫm. Tôi thắc mắc. Anh ta nói, muốn xây cầu phục vụ người dân, những người cần giúp, nhưng chính quyền địa phương ăn chặn làm anh mất thêm số tiền lớn. Anh tiếp: "Mình có kiến trúc sư, có bản vẽ, có đội xây dựng chuyên nghiệp, nhưng khi đến xin giấy phép thì bị làm khó dễ, không giải quyết...", anh ta diễn giải là chính quyền địa phương muốn đội xây dựng của họ, bản vẽ của họ, nếu anh ta muốn xây cầu thì cứ đóng góp tiền ở đây họ lo hết mọi thứ. Họ nói đội xây dựng và bản vẽ của anh ta đưa ra không đảm bảo... Trong lòng đầy khó chịu nhưng vì đã phát nguyện nên phải cố gắng làm, anh ta nói họ làm gì cũng kê giá lên, mà cầu xây chưa chắc an toàn, nếu có vấn đề thì lại mang tiếng xấu là cầu từ thiện không đảm bảo... Anh ta nói từ đây trở đi không xây cầu nữa, chỉ quyên góp cho dân nghèo trực tiếp thôi... Đến đây tôi không hỏi nữa, vì trong anh ta đầy buồn bực.
Tôi cũng từng có những chuyện khó chịu như anh ta, dù tôi không làm được việc lớn lao gì cả. Bây giờ cũng hiểu về Phật Pháp, tôi nghĩ một khi đã bố thí thì phải kèm buông xả, vì bố thí không phải chỉ cho người mà còn cho bản thân mình, sự bố thí sẽ giúp mình diệt được tham sân si, diệt phiền não, nếu mình vui, hạnh phúc thì món quà của mình cũng sẽ có năng lượng vui, hạnh phúc; ngược lại mình bực bội, buồn bực thì món quà không còn giá trị quý nữa.
Tôi còn nhớ Pháp sư Tịnh Không có giảng, nếu chúng ta muốn tặng sách kinh cho người nào đó, nhưng người đó lại là người lừa gạt, lấy kinh của ta đem bán. Có như thế chúng ta cũng đừng buồn, vì sao? Vì người đó bán kinh sẽ có người mua, ai mua? Phật tử sẽ mua, mua về tụng. Như vậy kinh vừa đến tay người cần lại có thể mang đến tiền, vậy là có lợi cả hai, vừa pháp thí, vừa tài thí...
Như vậy là trong cái Không lại có cái Có
Trong cái Có cũng có cái Không
Nam Mô A Di Đà Phật