Nhật ký: Bổn Nguyện Niệm Phật
Khoảng 14-15/10/2016
==========
Vợ chồng tôi cùng gia đình người đồng đạo về vườn Bồ Đề. Trong buổi trò chuyện cùng những người đồng đạo, dượng tư có giảng về bổn nguyện niệm Phật. Khi niệm Phật phát nguyện vãng sanh, chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng đại nguyện của Đức Phật A Di Đà, tin tưởng sự tiếp dẫn của Đức Phật, đây là hoàn toàn dựa vào tha lực của Đức Phật. Chúng ta là một phàm phu không phải là thánh nhân, nên không thể dẹp hẳn vọng niệm, phiền não; không thể chiến thắng hoàn toàn bản ngã, nhưng chúng ta vẫn có cơ hội vãng sanh dành cho đới nghiệp vãng sanh, hạ phẩm hạ sanh. Do đó khi dựa vào bổn nguyện niệm Phật, niềm tin và sự khao khát về thế giới Tây Phương là điều quan trọng nhất. Dĩ nhiên phải làm theo lời dạy về hành thiện của Phật, đừng tạo thêm nghiệp xấu hiện tại.
Nương theo bổn nguyện của Đức A Di Đà mà niệm, đây là cứu cánh, là tha lực tiếp dẫn, không phải tự lực. Nếu chúng ta chỉ lo kiểm soát vọng niệm để đạt tới nhất tâm bất loạn, bất niệm tự niệm thì tự chúng ta đang làm khó mình, mất cơ hội vãng sanh. Trong khi Đức Phật phát nguyện cứu vớt chúng sanh, Đức Phật đâu cần đòi hỏi như thế. Trong lời phát nguyện của Ngài chỉ cần chúng sanh tin Ngài, muốn về cõi của Ngài, rồi thành tâm niệm danh hiệu Ngài là được vãng sanh, đây là tha lực hoàn toàn. Khi chúng ta hiểu điều này thì mọi vướng mắc sẽ được tháo gỡ, việc tu hành sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Lời phát nguyện của Đức Phật A Di Đà: Nếu ta thành Phật, mười phương chúng sanh chí tâm tin ưa ta, muốn về cõi nước ta, niệm từ 1 đến 10 niệm, nếu không vãng sanh, ta thề không ở ngôi Chánh Đẳng Chánh Giác, trừ hạng phạm tội ngũ nghịch và phỉ báng Chánh Pháp.
Dượng tư có kể về trường hợp của một đồng đạo, chú tu đã mấy chục năm rồi mà vẫn chưa có niềm tin tuyệt đối vãng sanh, chỉ nghĩ về Thượng Ngươn thôi. Dượng tư ngăn cản ý nghĩ này, nhưng chú phản ứng lại, chú lấy dẫn chứng trong sấm giảng ra nói. Dượng tư nói không lại, trước khi về, dượng gởi tặng thẻ nhớ bổn nguyện niệm Phật, nhắc nhở nghe. Khoảng 1-2 tuần sau, có người cháu của chú đến gặp dượng tư nói lời cảm ơn. Tôi tự nghĩ, chú là bậc tiền bối của các đồng đạo nhưng lại thiếu niềm tin như thế, thì thử hỏi người hậu thế sẽ như thế nào, nghĩ tới điều này tôi cảm thấy mình phải có nghĩa vụ đi gieo niềm tin Tịnh độ, niềm tin vãng sanh cho mọi người...
==========
Trong khoá tu này, dượng cũng hướng dẫn cách lạy Phật, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa phòng ngừa bệnh tật, nhất là vấn đề cột sống. Dượng 4 nói cách lạy này học được từ Pháp sư Đạo Chứng.
Cách lạy: Từ tư thế đứng thẳng, cúi xuống thả 2 tay cố gắng chạm bàn chân, 2 chân giữ thẳng không được chùn đầu gối. Sau đó đưa người xuống từ từ, ngửa 2 lòng bàn tay lên trên, đầu chạm đất, mông chạm 2 gót chân. Đứng lên thì từ từ, không nên làm vội vã. Phối hợp hít thở thật nhẹ nhàng.
==========
Bắt đầu khóa tu, số lượng đăng ký khoảng vài chục người. Đây là khóa tu khá nặng nề. Thời gian công phu niệm Phật và lạy Phật 10giờ/ngày chia làm 4 thời: sớm, sáng, chiều và tối. Mọi người phải tịnh khẩu. Việc ăn uống có người khác lo. Khi bắt đầu tổ chức, dượng 4 lo lắng cho sức khỏe của những người lớn tuổi, có thể họ sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Tuy nhiên, Phật Pháp nhiệm mầu, kết quả thật mỹ mãn.
Khi khóa tu đi được nửa đoạn đường, có 2 đồng đạo đến vườn Bồ Đề tham quan. Một người trong số đó là một lương y, hiền từ, tốt bụng. Đến vườn Bồ Đề, thấy nơi đây cảnh thanh tịnh mát mẻ, mọi người tu hành tốt, nên quyết tâm xin được vào khóa tu. Dượng 4 chấp nhận. Những ngày anh ta vào tu hành, thì những đêm đó rất nhiều người đổ bệnh, đa phần bị tăng huyết áp, một số do thời lượng công phu quá nhiều làm cơ thể đổ ngã... May mắn có vị lương y này, suốt mấy đêm giúp đỡ nên mọi người bình phục để tiếp tục con đường tu hành, không ai bỏ cuộc cả.
Trong khóa 49 ngày này, rất nhiều người đạt bất niệm tự niệm, nhiều người rất bất ngờ với kết quả này. Có vị đồng tu kể, đêm đó định ngủ thì tiếng niệm Phật tự nhiên vang lên liên tục trong đầu, bà ta niệm theo thế là thức đến sáng luôn. Lúc đầu bà ta không biết đó là bất niệm tự niệm sau đó hỏi dượng 4 mới biết. Rồi có người đang niệm Phật thì bức tượng Phật hiện ra trước mắt vàng chói sáng rực, người đó cữ ngỡ mình bị hoa mắt, nhưng tượng Phật rất to ấy vẫn đang ở phía trước, hào quang chiếu sáng, vị đồng tu này cứ ngỡ mình tu lạc đường, sợ quá nên hỏi dượng tư. Còn vị lương y kia sau bao ngày tu hành, đêm đó một nguồn năng lượng chạy khắp người anh ta, một cảm giác lân lân, nhẹ nhàng rất dễ chịu, anh ta nói chưa bao giờ có cảm giác này... còn rất nhiều trường hợp khác, mỗi người mỗi kiểu. Những dấu hiệu của sự tiến bộ trong việc tu hành.
Gần đến ngày kết thúc (khoảng 1 tuần) có một đoàn khoảng 20 người đến xin vào. Dượng 4 không đồng ý, vì đông quá và khóa tu đã gần hết rồi. Tuy nhiên, mọi người rất chân thành và họ cũng đã mang đồ cá nhân theo rồi. Họ nói chỉ cần dượng 4 cho ở lại, họ ngủ ngoài sân cũng được, vì biết đến khóa tu hơi muộn nên đến muộn. Họ nói, đã ra đi thì không quay về cho đến khi hết khóa tu. Thấy họ thành tâm, dượng 4 cho vào.
Thế là, cuối khóa tu 49 ngày, số lượng khoảng 70 người, lúc đăng ký chỉ khoảng 40-50, không có ai bỏ cuộc giữa chừng cả. Thật hạnh phúc!
Trong giai đoạn này, vợ chồng tôi tuy chỉ có mặt vài ngày nhưng chứng tỏ con người có thể làm nhiều điều hơn bản thân mình nghĩ. Vợ tôi niệm Phật lâu hơn thường lệ. Tôi mất ngủ nhưng ngồi niệm Phật vẫn không biết mệt. Quả thật khi ngồi niệm Phật mới thấy tâm mình thanh tịnh hẳn lên.
Chúng tôi cũng có cơ hội gặp được 3 người có ấn lá Bồ đề trên trán, đó là dượng 4, một chị đồng đạo, một chú lớn tuổi có râu dài. Chị đồng đạo đó kể (tên Quang), có một cô lớn tuổi trong lúc niệm Phật thấy có 3 người được ấn lá Bồ đề trên trán, cô này đã đi tìm 3 người đó. Được cô này nói, chị Quang chưa tin trên trán mình có ấn Bồ đề. Nhưng ngày nọ, chị niệm Phật xong, rửa mặt, rồi soi gương, chị giật mình một chiếc lá Bồ đề hiện rõ trên trán, niềm hạnh phúc lộ trên người chị. Chị lại nằm mơ thấy Đức Quán Âm báo mộng là chị đã có ngai vị rồi, chị hỏi ngai vị là gì, Đức Quán Âm trả lời là có chỗ trên Tây Phương. Nghe đến đây chị vui mừng lắm, chị càng hăng say tu hành, niệm Phật hơn.
Mỗi lần tôi về vườn Bồ đề là có thêm những bài học mới. Lần này thì thu hoạch nhiều, tôi phải noi gương dượng tư và các vị chân tu.
Đây là một số điều cần làm vậy:
- Giúp cho gia đình tu hành, cúng lạy chung mỗi ngày
- Gieo niềm tin cho mọi người về Tịnh Độ, hướng dẫn mọi người cách phát nguyện vãng sanh nương theo bổn nguyện niệm Phật
Nam Mô A Di Đà Phật