Chánh Đạo: Phước Huệ Song Tu
Ngày 21/12/2016
==========
Ngày 21/12/2016
==========
Hôm nay người cũng còn đang bệnh, căn bệnh hoành hành thân thể hơn 1 tuần, kháng sinh càng ngày càng kháng, trước đây chỉ cần 3-5 ngày dùng thuốc đơn giản là hết bệnh, bây giờ dùng thuốc đó không ý nghĩa gì cả, phải uống thuốc kháng sinh loại mới, bệnh mới thuyên giảm, rồi thời gian nữa chắc vi khuẩn cũng kháng luôn những thứ này, chẳng biết lấy gì điều trị, tệ thật. Ngẫm bệnh của mình nhìn lại cuộc sống, cũng có phần giống như thế...
Đó là chuyện bản thân, bây giờ nói chuyện "Phước Huệ song tu". Đây là lời Đức Thầy chỉ dạy, cũng là phương châm cho các phật tử tu hành trong xã hội hiện đại.
Tại sao thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế Đức Phật không truyền dạy mọi người phước huệ song tu này mà tùy theo căn cơ từng người mà cho pháp môn, có lẽ thời đó con người còn chơn chất, thánh thiện, chưa bị tác động bởi cuộc sống bên ngoài nhiều như bây giờ, nên khi ta đọc kinh thấy các vị đệ tử chỉ cần được Phật khai ngộ là họ đạt đến thành tựu A la hán chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng còn ngày nay xã hội giống như con vi khuẩn kháng thuốc ở trên. Chính vì vậy Phước Huệ song tu lại được đặt lên hàng đầu, trong đó pháp môn Tịnh Độ là cứu cánh.
Bây giờ chúng ta đi từng phần: Phước là gì? Phước là phước thiện, là những điều thiện chúng ta cần làm, đây là phước hữu lậu. Vậy làm phước thiện gồm những gì?
Đầu tiên chúng ta phải nhớ Thập thiện nghiệp (tịnh tam nghiệp: thân khẩu ý)
Thân làm miệng nói ý nghĩ suy
Gìn giữ ba tên chẳng dễ gì
Nếu có quyết tâm không phiền lụy
Nhược bằng đau khổ nghiệp mang đi
Khi chúng ta huân tập Thập thiện nghiệp thì tâm chúng ta sẽ giảm lại tham sân si; miệng chúng ta sẽ không nói lời ác nữa mà chỉ thường nói điều lành; thân của ta không làm chuyện sai quấy, không sát sanh, không còn trộm cắp, tà dâm.
Thực hành Thập thiện nghiệp khi làm việc phước thiện sẽ có kết quả cao hơn, vậy những việc phước thiện tiếp theo là gì?
- Bố thí: Giúp đỡ bằng tài vật.
- Pháp thí: Truyền kinh sách, truyền lời Phật dạy, giúp cho mọi người quay về Chánh Đạo.
- Vô úy thí: Giúp người khác lời khuyên vượt qua được nổi đau khổ, lo lắng, sợ hãi.
- Còn thứ nữa đó chính là phóng sanh, tôi gọi là bố thí sinh mạng.
Vậy khi bố thí gặp kẻ lừa gạt ta thì sao? Trước đây tôi cũng khó chịu nhưng sau này hiểu đạo thì chuyện đó bình thường. Bởi vì mình bố thí không phải cho người khác mà thật sự mình đang bố thí cho mình. Việc bố thí phải đi từ tâm, rồi mới thể hiện bằng hành động và lời nói. Do đó một khi bố thí xong thì quên đi, những gì mình đã cho đi rồi thì nó không còn của mình nữa (nó thuộc về người được bố thí rồi) nếu mình vẫn còn suy nghĩ đến những thứ mình cho, có nghĩa là mình chưa thật sự bố thí, như vậy ta sẽ rước thêm phiền não, không an lạc, không có ý nghĩa.
Hiện nay nhiều phật tử và những thiện nhân thường hăng say làm từ thiện, bố thí, họ tìm nhiều cách để giúp người khác có miếng cơm, manh áo, có tiền, có công việc,... Đây là nghĩa cử cao cả. Tuy nhiên đây không phải là cứu cánh của Phật Pháp. Mục đích chính của việc tu hành chính là tu huệ, tâm thanh tịnh, an lạc, thoát ly luân hồi.
Cũng như "Học Phật Tu Nhân", muốn học giáo lý Phật để thoát ly sanh tử thì trước tiên ta phải học làm người tốt, học làm thánh nhân. Ở đây cũng thế, Đức Thầy dạy chúng ta "Phước Huệ song tu" là muốn chúng ta trong thời nhân tâm xuống dốc, cuộc sống đầy dẫy đua chen, tranh dành, chiến tranh... thì phước tu là quan trọng, chúng ta làm phước bằng thân, khẩu, ý. Chúng ta khó mà đi thẳng vào tu huệ được khi cuộc sống đang tràn ngập phiền não. Khi chúng ta làm phước là chúng ta đang rèn luyện tứ vô lượng tâm của mình (từ bi hỷ xả)
Phước thiện là hình thức, trí huệ là nội dung. Chúng ta lấy hình thức để đi vào nội dung, đây chính là cốt lõi của phước huệ song tu. Vì vậy việc tu phước không phải đơn thuần là cho tiền, cho gạo, cho công ăn việc làm, truyền pháp... mà điều quan trọng là chúng ta phải thấy được trí huệ của mình trong những công việc thiện nguyện đó.
Tôi có một người bạn đồng tu, cô ta vì chưa nắm bắt được hết vấn đề phước huệ song tu, cứ nghĩ rằng làm cả hai cùng lúc, nên cô ta tìm mọi cách làm phước, bị vướng vào nó, khó thoát ra. Cô ta thường tìm công việc này nọ để có tiền, lấy tiền giúp người, ở đâu có gì khó khăn cô ta liền tìm cách giúp đỡ, bản thân không có tiền, nhưng vì muốn giúp đỡ nên phải suy nghĩ cách kiếm tiền giúp, điều này làm cô ta bị cuốn vào hết chuyện này đến chuyện khác, ngày càng nhiều, mà không có thời gian tu tập niệm Phật, công phu suy giảm, sức khỏe lại không tốt.
Phước huệ song tu: Phước là bên ngoài, huệ là bên trong. Lấy bên ngoài để từng bước nhìn thấy cái bên trong. Muốn phước huệ song tu chúng ta từng bước huân tập thập thiện nghiệp, tập bốn công đức bố thí, bố thí bằng cả thân khẩu ý. Từ đó tình yêu thương, từ bi hỷ xả sẽ nảy mầm và kết trái, đó là tứ vô lượng tâm. Rồi trí huệ (trí tuệ) sẽ khai mở, chúng ta sẽ đến được bờ giải thoát.
Đối với người theo pháp môn Tịnh độ, việc phước thiện ta xem như việc niệm Phật, giúp một người, một vật thì ta xem như một Thánh chúng của Tây Phương, dù làm gì, suy nghĩ gì cũng chỉ có A Di Đà Phật, có như thế thì phước thiện hay trí huệ sẽ là một, một Đức A Di Đà. Tâm ta lúc nào cũng theo Phật A Di Đà thì sợ gì không được tiếp dẫn về Tây Phương...
Đây chỉ là sự hiểu biết nho nhỏ của bản thân.
==========
==========
Chuyện Bên Thầy
MUỐN CÓ HUỆ THÌ PHẢI BẮT SÂU
Vào năm 1939 lúc Đức Thầy mở Đạo tại Hòa Hảo, người ta lũ lượt đến viềng Ngài mỗi lúc mỗi đông, kẻ nghe pháp qui y, người nhờ Ngài phát phù trị bịnh.
Lúc bấy giờ có bà phán Nguyễn thị Ngọ, vợ thông phán tòa án Châu Đốc, là một Phật tử tại gia cũng đến nghe pháp và tìm hiểu coi Ngài như thế nào. Trước đa số thính chúng, bà phán hỏi:
– Bạch Thầy, xin Thầy hoan hỉ cho con biết con tu có huệ hay không?
Đức Thầy tươi cười đáp:
– Bà muốn có huệ thì phải bắt sâu.
Câu đáp ngắn gọn của Ngài khiến bà phán vô cùng kính phục và rất hài lòng.
(Thuật theo Đuốc Từ Bi - PGHH)
Nam Mô A Di Đà Phật