Hành Trì: Tứ Y Nghĩa
Pháp Sư Tịnh Không
==========
Trước khi nhập Niết Bàn, đức Phật đã dặn dò chúng ta bốn câu, gọi là Tứ Y Pháp. Bốn câu khai thị ấy, chúng ta thật sự hiểu rõ, xác thực là tuân thủ, sẽ chẳng khác gì có Phật bên cạnh, chẳng khác gì suốt ngày từ sáng đến tối theo sát bên Phật.
1) Câu đầu tiên là “y pháp, bất y nhân”, Pháp là kinh điển, nói tách bạch: Kinh điển mới là chỗ quy y thật sự, là chỗ để chúng ta nương tựa tu hành trong suốt một đời. Trong Tứ Thiếp Sớ, Thiện Đạo đại sư cũng đặc biệt nhấn mạnh quan điểm này! Dẫu là La Hán, Bồ Tát hoặc Đẳng Giác Bồ Tát giảng giải cho chúng ta mà mâu thuẫn, chẳng giống với ý nghĩa trong kinh Phật, chúng ta đều chớ nên tuân thủ, đều chớ nên nghe theo! Nhất định là phải lấy kinh làm căn cứ. Trong bản chú giải này, đại sư đặc biệt nhấn mạnh, chúng ta phải biết “y pháp, bất y nhân”.
2) Thứ hai, đức Phật dạy chúng ta “y nghĩa, bất y ngữ”, “nghĩa” là ý nghĩa do đức Phật đã giảng, quý vị phải hiểu rõ, còn ngôn từ Phật sử dụng chẳng quan trọng. “Ngữ” được ghi chép lại thành văn tự, nay ta gọi là “kinh điển”. Văn tự bất quá là phù hiệu ngôn ngữ mà thôi, dùng phù hiệu để biểu thị, dùng ngôn ngữ ghi chép xuống. Vì thế, chúng ta phải y nghĩa, “ngữ” chẳng quan trọng! Nhiều thêm mấy câu, hay ít đi mấy câu, chẳng sao hết! Chỉ cần đúng ý nghĩa là được rồi, đấy là một tiêu chuẩn trọng yếu!
3) Điều thứ ba, càng quan trọng hơn nữa. So trong bốn câu, mỗi câu sau càng quan trọng hơn câu trước: “Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa”. Như thế nào thì mới là “liễu nghĩa”? Có thể giúp chúng ta thật sự vượt thoát luân hồi, vĩnh viễn đoạn sanh tử, thành Phật, làm Tổ ngay trong một đời này, thì cách thức hoặc khai thị ấy được gọi là “liễu nghĩa”. Hết thảy các kinh Đại Thừa do đức Phật đã giảng đều nhằm vào mục tiêu này. Lý chẳng sai, nhưng bản thân ta có đủ trình độ hay không? Kinh liễu nghĩa rất nhiều, chúng ta hãy quan sát cặn kẽ một phen, kinh liễu nghĩa nào có thể phù hợp căn tánh của chúng ta? Đối với người khác, kinh này là liễu nghĩa, nhưng đối với căn tánh của chúng ta thì là bất liễu nghĩa, chẳng có tác dụng. [Nếu ta] học pháp môn khác mà chẳng thể liễu sanh tử, cũng chẳng thể thoát tam giới, đối với ta mà nói thì pháp môn ấy chẳng liễu nghĩa! Vì thế, vào thời kỳ Mạt Pháp, trong hết thảy các kinh, thật sự có thể giúp chúng ta liễu sanh tử, thoát tam giới ngay trong một đời này chính là ba kinh Tịnh Độ (kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ). Trừ ba kinh ấy ra, quý vị mong liễu sanh tử, thoát tam giới, sẽ chẳng đơn giản như vậy, chắc chắn là kẻ bình phàm chẳng thể làm được! Trừ phi quý vị là thiên tài, là bậc thượng thượng căn, hoặc là bậc tái lai thì chẳng cần phải nói năng chi nữa, có thể thành tựu! Kẻ căn tánh trung hạ căn chẳng có cách nào liễu sanh tử, chỉ còn cách niệm Phật đới nghiệp vãng sanh. Vì thế, kinh điển này là liễu nghĩa rốt ráo, là liễu nghĩa viên mãn.
Vì sao gọi nó là viên mãn rốt ráo? Trong hội Hoa Nghiêm, Văn Thù, Phổ Hiền, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ đều niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đó là những vị thượng thượng căn, các Ngài cũng học pháp môn này. Kẻ hạ hạ căn, ác đạo chúng sanh, không điều ác nào chẳng tạo, lâm chung gặp thiện tri thức, chí tâm sám hối, mười niệm cũng có thể vãng sanh, thích hợp khắp ba căn, gồm thâu trọn vẹn lợi căn và độn căn. Do đó, pháp môn này là liễu nghĩa rốt ráo, là liễu nghĩa viên mãn. Chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng: Chúng ta phải học kinh liễu nghĩa, chớ nên học kinh bất liễu nghĩa. Trong một đời này, chúng ta được làm thân người, thọ mạng chẳng dài! Đừng thấy thời gian mấy chục năm, hoặc thời gian một trăm năm [là lâu dài], khảy ngón tay một cái đã trôi qua! Tôi đã gần bảy mươi tuổi, ngẫm lại khi mười mấy tuổi, giống như chuyện mới [xảy ra trong] ngày hôm qua. Quý vị thấy [thời gian trôi qua] nhanh chóng lắm! Chẳng thể nào lại có bảy mươi năm nữa. Dẫu lại có bảy mươi năm nữa, cũng là khảy ngón tay một cái đã trôi qua! Thọ mạng của chúng ta quá ngắn, thời gian quá quý báu, lãng phí nơi kinh điển chẳng liễu nghĩa thì đáng tiếc quá! Vì thế, phải tập trung thời gian và tinh thần, chuyên tu, chuyên hoằng. Chuyên hoằng là chuyên tu, chuyên tu là chuyên hoằng, tự lợi và lợi tha là một, không hai. Đó là đúng. Vì thế nói: Y kinh liễu nghĩa, đừng y theo kinh chẳng liễu nghĩa.
4) Điều cuối cùng, đương nhiên càng quan trọng hơn. Đức Phật dạy chúng ta “y trí, bất y thức”. Đây là ban cho chúng ta một sự cảnh giác rất lớn, vì sao? Phàm phu cảm tình rất nặng, thường bị cảm tình lôi kéo! Biết rành rành chỗ này chẳng liễu nghĩa, nhưng vì mấy người bạn thân của quý vị tin tưởng, họ đã tin tưởng, hôm nay người này đến khuyên quý vị, ngày mai người kia đến chèo kéo, vì nể mặt, nể tình, chẳng thể nào không đi, hỏng bét! Do vậy, đức Phật dạy chúng ta phải y trí, bất y thức. “Trí” là lý trí, “Thức” là cảm tình. Nương theo cảm tình, chẳng có ai không bị đọa lạc; nương theo trí thì mới có thể vượt thoát. Do vậy, chúng ta phải lấy lý tánh làm chủ tể, chớ nên xử sự theo cảm tình, đó là đúng, quý vị sẽ đi theo con đường chánh xác.
Lão PS. Tịnh Không (A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, Tập 252)
==========
Chuyện Bên Thầy
THEO THẦY HAY THEO GIÁO LÝ
Thời gian luân lưu đó đây để hóa chúng độ tha, những lời thuyết Pháp vi diệu thậm thâm của Đức Thầy đã đánh thức biết bao triệu con tim trở về nguồn giác, khác nào ánh thái dương rọi tan đám sương mù. Họ hân hoan vì được nếm ân vị của suối Ma Ha, nên rất hăng say theo gót chân Thầy để có dịp được thêm thắm nhuần Pháp vũ.
Một hôm, sau buổi thuyết Pháp, bỗng Ngài đưa quyển giảng lên hỏi lớn rằng:
- Tất cả bổn đạo theo Thầy hay theo Giáo lý của Thầy?
Tất cả đồng loạt đưa tay lên và đồng thanh ứng:
- Con theo Thầy! Con theo Thầy!
Đức Thầy để quyển giảng xuống, nét mặt từ bi nhìn khắp các đệ tử bảo:
- Bà con theo Thầy đến khi Thầy vắng mặt rồi theo ai? Phải theo Giáo lý của Thầy mới đúng chớ.
Tất cả những người có mặt nơi đấy, vừa được nghe câu Kim ngôn của Ngài như một tiếng chuông cảnh tỉnh, họ đều cúi đầu lãnh giáo ngọc ngữ của đấng cha lành.
Theo lời thuật của ông cựu Hội Trưởng quận Thốt Nốt
==========
Nam Mô A Di Đà Phật