Niệm Phật: Thức Ăn
==========
Giai đoạn đầu niệm Phật tôi thường thấy có nhiều món ăn ngon trước mặt, hấp dẫn, tôi đưa vào miệng, nhai nhai...Lúc đầu tôi không để ý, nhưng khi phát hiện thì đã mất một khoảng thời gian. Sau đó tôi bắt đầu để ý hơn, hễ thấy nó là tôi gọi tên "vọng niệm", tôi nói với nó rằng vọng niệm ơi hãy quay về với chánh niệm, với Đức Phật A Di Đà. Từng bước những vọng niệm đó giảm dần, lúc đầu thấy thức ăn thì không nhai nữa, mà ngậm, ngậm một lát thì biến mất, sau đó thấy nó là tươi cười với nó, nó đứng đó từ từ biến mất... Sau này khi vừa chớm thấy là tôi gọi tên ngay thế là chẳng thấy tăm hơi đâu...
Vọng niệm như con cún con, khi nó chạy lăng xăng thì kêu tên nó, dẫn nó về với mình.
Để điều phục những ham muốn về ăn uống và vọng niệm này, một số điều cần lưu ý (bản thân tôi cũng đang luyện tập):
1. Tập ăn chay, tốt nhất ăn chay trường. Đối với một số người ý chí chưa mạnh mẽ thì nương nhờ sự gia hộ. Tôi cũng thấy có người chưa biết ăn chay là gì, sau khi phát nguyện thì tự nhiên nhìn thấy thức ăn mặn là ngán sợ, rồi họ ăn chay luôn.
2. Tập ăn đơn giản lại, có gì ăn nấy, ăn vừa đủ no. Tất cả các món ăn đều ăn như nhau.
3. Ăn đế sống, để nuôi dưỡng cơ thể. Đừng để mình lệ thuộc món ăn. Chúng ta hay có thói quen ăn ngon thì ăn nhiều, dở chì chê và ăn ít. Đây là sự phân biệt. Nó giống như người nói năng dịu dàng thì ta thích; còn người ăn nói cộc lốc, thô thiển thì ta ghét. Những chủng tử này nó không mất nó sẽ lưu trữ trong tiềm thức. Nó là phiền não. Lúc niệm Phật là cơ hội cho nó trỗi dậy. Do đó từ việc tiếp xúc bên ngoài, ta không bị nhiễm việc ngon dở thì nó sẽ không thành vọng niệm được.
4. Thỉnh thoảng tập trộn tất cả thức ăn lại để ăn.
5. Ăn uống trong tiếng thầm niệm Phật, trong chánh niệm.
6. Quán tưởng chúng sanh địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và những con người đang thiếu cái ăn.
°°°°°
Vọng niệm theo chúng ta như hình với bóng, chỉ cần ta quyết tâm tu hành, luôn giữ chánh niệm thì nó sẽ tự ắt biến mất.
==========
Chuyện Bên Thầy
Cùng Một Sự Ăn
Lúc Đức Thầy đang lưu trú nơi tư gia ông Võ Mậu Thạnh, tại xã Nhơn Nghĩa Cần Thơ. Có ông Sáu Viên một tín đồ từ Long Xuyên đến viếng thăm Đức Thầy, tiện việc, ông Viên bạch hỏi Thầy về sự ăn uống của người tu ra sao?
Đức Thầy bèn giảng cho ông Viên nghe:
- Sự ăn uống là giúp cho cơ thể mạnh khỏe hầu thi hành việc đạo nghĩa. Thân xác ví dụ như chiếc xe, cơm là xăng, vật thực là nhớt. Xe có xăng nhớt chạy mới được. Xe chạy bằng xăng nhớt, nếu nói rượu là quí, đem đổ vào thì xe chết máy. Thịt của các loài cá thì nặng nên chìm, song mau tiêu, còn thịt của các loài thú có dầu mở nên nổi, nhưng lâu tiêu. Ông xét coi món gì mau tiêu và ít tội thì cứ dùng. Nên nhớ rằng: Ăn để mà sống, chớ không phải sống để mà ăn, và người tu không nên chấp thức ăn ngon dở, nhiều ít, hoặc chú tâm đến các thức ăn trước khi dùng. Cũng như hiện giờ là mười giờ, tôi khỏi cần biết lát nữa đây ông Hương Bộ cho tôi ăn món gì.
Được nghe lời Thánh huấn ấy, ông Viên rất vui mừng, cởi mở, và ghi nhớ mãi trong tâm tư.
(Thuật theo lời ông Sáu Viên)
°°°°°
"Tu biết cách như đươn biết đát,
Đươn đát rành đặng dựa Xe-Loan.
Ai biết nghe thì sớm liệu toan,
Để đến việc như người thất nghiệp."
(Quyển 4 Giác Mê Tâm Kệ)
Nam Mô A Di Đà Phật