Niệm Phật: Tiếng Niệm Sâu Thẳm
Tháng 8 năm 2016
==========
Buổi tối, ngồi trong phòng, đang niệm Phật (giai đoạn này tôi niệm 4 chữ A Di Đà Phật), bỗng đâu 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật từ trong đầu tôi vang ra liên tục, không dừng, nghe rất rõ, từng chữ, đều đều. Tiếng niệm này không phải từ miệng mình thoát ra mà từ ngay sâu thẳm bên trong tâm phát ra, tối đó tôi gần như không ngủ, mà luôn niệm theo tiếng niệm này; mà nói niệm theo cũng không đúng, bởi tiếng niệm này là tôi niệm, âm thanh của tôi, không bị bên ngoài tác động, tôi cứ niệm niệm và niệm. Tâm tôi rất an định, so với lần nghe tiếng niệm Phật văng vẳng của giọng nam và nữ trước đây thì tiếng niệm này nó thật sự là âm thanh của chính mình, sâu thẳm hơn, không phải giọng của người nam hay người nữ nào cả mà chính là của mình, từ tâm phát ra, đều đặn, nhẹ nhàng, tha thiết... Sau này tôi mới biết đó là Bất niệm tự niệm.
Từ lúc có tiếng niệm này, tâm tôi an lạc hơn, định hơn, ít bị cuốn theo vật cảnh bên ngoài (thường thì khi tôi làm việc, lái xe... dễ bị bên ngoài tác động nên tiếng niệm không đều, không liên tục được). Tôi nhận thấy mình niệm Phật nhiều hơn, nghe rõ tiếng niệm hơn, câu niệm đều đặn hơn... Việc tu hành của mình đã bước thêm 1 bậc nữa...
Nam Mô A Di Đà Phật
==========
Đối với Pháp môn Tịnh độ, chỉ cần ta huân tập thường xuyên, đi đứng nằm ngồi gì cũng niệm thì bất niệm tự niệm tự ắt xuất hiện. Có bất niệm tự niệm là có sự tiến bộ. Tuy nhiên cũng đừng dừng lại ở đó, vì còn nhiều thứ khác mà chúng ta cần phấn đấu hơn, trước khi rời bỏ thân này. Việc vãng sanh Tịnh độ không phải dựa trên bất niệm tự niệm mà là dựa vào sự Tín tâm. Tín tâm là tin tưởng tuyệt đối vào thế giới Tây Phương Cực lạc vào phát nguyện của Đức Phật A Di Đà. Đây là bổn nguyện niệm phật.
Tông chỉ tông Tịnh độ, nương theo đại nguyện 18 của Đức Phật A Di Đà:
Tin nhận Di-đà cứu độ,
Chuyên xưng Di-đà Phật danh,
Nguyện sanh Di-đà Tịnh độ,
Độ khắp mười phương chúng sanh.
Nguyện thứ 18 của Đức A Di Đà: Nếu ta thành Phật, mười phương chúng sanh, chí tâm tin ưa ta, muốn về cõi nước ta, niệm từ 1 đến 10 niệm, nếu không vãng sanh ta thề không ở ngôi Chánh Đẳng Chánh Giác. Trừ hạng phạm tội ngũ nghịch và phỉ báng Chánh Pháp.
1. Tin nhận Đi Đà cứu độ:
Đây chính là chữ Tín trong Tín, Nguyện, Hành. Niềm tin tuyệt đối không được một chút hoài nghi nào cả. Ví như ta nghĩ, không biết tu hành niệm Phật như thế này có được vãng sanh không, điều đó cũng có nghĩa là ta vẫn còn hoài nghi về lời nói của Đức Phật. Đức Phật không chỉ phát nguyện cứu chúng ta mà còn cứu 10 phương chúng sanh. Chúng ta xem mình giống như một người đang trong nạn bão lụt cần sự cứu giúp. Chúng ta không thể cứu lấy mình. Nhưng đoàn cứu hộ vẫn đang trên đường tìm kiếm chúng ta. Chúng ta tin đoàn cứu hộ đó và giao toàn bộ sinh mạng của mình cho họ. Nếu họ thấy ta, dù lúc đó ta có yếu liệt, có nằm một chỗ thì họ vẫn cứu chúng ta. Vì sao vậy? Bởi đó là việc của họ. Chúng ta tin tưởng mà giao sinh mạng mình cho đoàn cứu hộ đó là được. Đoàn cứu hộ đó chính là tha lực của Đức Phật A Di Đà.
2. Chuyên xưng Đi Đà Phật danh:
Niệm Phật là việc trong yếu. Giống như ta đang trong vùng tâm bão nguy hiểm, không đủ sức thoát ra. Chúng ta cần sự chi viện, sự giúp đỡ từ bên ngoài. Chúng ta phải cầu cứu, kêu cứu, chỉ cho bên ngoài biết địa điểm, nơi chúng ta đang mắc nạn để họ đến cứu. Khi ta báo như thế thì tự ắt họ sẽ đến. Khi họ đến mình cứ giao toàn bộ sinh mạng của mình cho họ, không hề do dự. Đội cứu hộ không đòi hỏi ta thứ gì ngoài việc ta chỉ cho họ nơi của ta, tự họ tìm cách cứu ta. Khi họ đến ta chỉ việc lên tàu, nếu ta không đi được họ sẽ dìu và đỡ ta lên là xong. Tiếng kêu cứu đó chính là 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật.
Còn việc bất niệm tự niệm giống như chúng ta có thêm phương tiện an toàn cho mình như thức ăn, nước uống, hay thuyền cá nhân... với những thứ này cũng có thể tự thoát được. Nhưng cho dù có những thứ này đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải cần đội cứu hộ dìu thuyền chúng ta ra, vì họ là người ở trên cao, biết rõ đường thoát và có nhiều phương tiện hơn ta. Ngoài ra, ta có phương tiện của cá nhân như thuyền nhỏ thì có thể giúp đỡ được những người bên cạnh mình nữa. Tất cả sẽ cùng được cứu. Như vậy bất niệm tự niệm là phương tiện cá nhân giúp mình và những người quanh mình an toàn hơn trong lúc chờ cứu nạn vậy.
3. Nguyện sanh Di Đà Tịnh độ:
Ta chán ghét nơi thế giới đâu khổ này, nơi này đang có bão lụt ta không thể tồn tại, ta cần thoát ly nó. Ta quyết tâm ra khỏi chỗ này, không hề luyến tiếc. Như vậy khi gặp đội cứu nạn tới, thì ta sẵn sàng tận dụng cơ hội thoát ly ngay, không đắn đo suy nghĩ. Chúng ta tin tưởng tuyệt đối đội cứu hộ sẽ đưa ta đến nơi an toàn, thoát khỏi nơi bão lụt này. Cái thế giới này đầy dẫy phiền não, đau khổ. Con người thường tranh giành, chà đạp nhau... Vì vậy ta không muốn ở đây nữa, ta phát nguyện nếu có cơ hội thoát ly ta sẽ đi ngay. Hôm nay Đức Di Đà cho thuyền lớn đến rước, chỉ cần ta quyết tâm theo, lên tiếng thì thuyền sẽ cứu. Không cần lo lắng nữa. Cơ hội chỉ có một lần này thôi.
Trong kinh A Di Đà Đức, Phật Thích Ca có dạy:
Xá-Lợi-Phất! Vì nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe kinh này mà thọ trì đó, và nghe danh hiệu của đức Phật, thời những thiện nam tử cùng thiện nữ nhân ấy đều được tất cả các đức Phật hộ niệm, đều được không thối chuyển nơi đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Xá-Lợi-Phất! Cho nên các ông đều phải tin nhận lời của Ta và của các đức Phật nói.
Xá-Lợi-Phất! Nếu có người đã phát nguyện, hiện nay phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh về cõi nước của đức Phật A Di Đà, thời những người ấy đều đặng không thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác; nơi cõi nước kia, hoặc đã sanh về rồi, hoặc hiện nay sanh về, hoặc sẽ sanh về.
Xá-Lợi-Phất! Cho nên các thiện nam tử thiện nữ nhân nếu người nào có lòng tin thời phải nên phát nguyện sanh về cõi nước kia.
Xá-Lợi-Phất! Như ta hôm nay ngợi khen công đức chẳng thể nghĩ bàn của các đức Phật, các đức Phật đó cũng ngợi khen công đức chẳng thể nghĩ bàn của Ta mà nói lời nầy: "Đức Thích Ca Mâu Ni Phật hay làm được việc rất khó khăn hi hữu, có thể ở trong cõi Ta Bà đời ác năm món trược: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược trung, mà Ngài chứng được ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài vì các chúng sanh nói kinh pháp mà tất cả thế gian khó tin này".
Xá-Lợi-Phất! Phải biết rằng Ta ở trong đời ác ngũ trược thật hành việc khó này: đặng thành bậc Vô Thượng Chánh Giác và vì tất cả thế gian nói kinh pháp khó tin này, đó là rất khó!
Đức Phật nói kinh này rồi, ngài Xá-Lợi-Phất cùng các vị Tỳ kheo, tất cả trong đời: Trời, Người, A-Tu-La, v..v.. nghe lời của đức Phật dạy, đều vui mừng tin nhận đảnh lễ mà lui ra.
(PHẬT NÓI KINH A DI ĐÀ)
4. Độ khắp mười phương chúng sanh:
Đó là Bồ đề tâm, như Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chỉ dạy : "Tóm tắt, ta phải thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức, nếu ai giữ đặng trọn lành trọn sáng về nơi cõi Tây Phương an dưỡng mà học Đạo cho hoàn toàn đặng trở lại cứu vớt chúng sanh." (8 Điều răn cấm, Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH)
Tôi lại chợt nhớ đến câu chuyện. Có một đệ tử (vị đệ tử này là nhà khoa học nên chỉ tin những gì có chứng cứ khoa học) gặp Đức Thầy, nói rằng Đức Phật Thích Ca là con người bằng xương bằng thịt, được thế giới công nhận là có thật, giáo lý Ngài dạy người đệ tử này tin. Tuy nhiên Đức Phật A Di Đà chẳng ai nói đến và tin tưởng, vì vậy vị đệ tử này không tin là Đức Phật A Di Đà có thật.
Đức Thầy nghe xong quay lại người đệ tử của mình, Thầy hỏi người đệ tử của mình là: "vậy con có tin Thầy không?", vừa nói Ngài vừa chỉ vào ngực. Lúc đó thân hình của Ngài vàng rực chói, hào quang phát ra. Người đệ tử hoảng hồn, chỉ kịp phát ra: "Con tin, con tin".
"Muốn tu tỉnh nay đà gặp cuộc,
Đức Di Đà truyền mở Đạo lành.
Bởi vì Ngài thương xót chúng sanh,
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy."
(Sấm giảng quyển 2- Đức Huỳnh Giáo Chủ)
==========
Pháp môn Tịnh độ là Pháp khó tin, dị hành đạo, nhưng hiệu quả không thể nghĩ bàn.
"Nếu như ai cố chí làm lành,
Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc"
(Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH)
Nam Mô A Di Đà Phật