Nhật Ký: Chắc Đức Hộ Pháp Chấp Nhận Rồi
==========
Tôi cùng vợ về Tây An Cổ Tự (khoảng 2017), chúng tôi vào đảnh lễ, đến bàn thờ của Phật Thầy Tây An, dưới bàn thờ có một thẻ đá, chúng tôi được nói về thẻ đá này. Thẻ được lấy lên từ ao sen sau chùa, khi lấy lên thì chưa có hình gì. Bây giờ hiện rõ hình của một vị Hộ Pháp, đầu đội mão, tay dựng thanh kiếm rất uy nghi (tiếc là tôi không được phép chụp bức hình này). Chúng tôi chắp tay cầu nguyện. Vợ tôi đến gần cầu xin hộ pháp gia hộ cho tu hành ngày càng tinh tấn vì vợ nói còn tu dãi đãi quá. Vừa cầu xin xong, thẻ đá đang nghiêng thì bỗng bật đứng dựng lên, rung rinh… Vợ tôi giật mình, nổi da gà, cũng hơi sờ sợ. Tôi nói chắc đức hộ pháp chấp nhận cho em rồi. Thôi về rán tu nhe… Chúng tôi cười cười…
Thẻ đá có dạng hình hộ pháp, đầu đội mão, tay dựng thanh kiếm uy nghi giống như hình này |
==========
Ở Tây An Cổ Tự cũng có những câu chuyện lạ: Hôm người dân lắp đất làm ao phía sau, trước đó một ngày, tự nhiên các ông rùa từ dưới ao bò lên nằm đầy trên mặt bờ ao. Người ta nhìn thấy bất ngờ quá, làm sao những ông rùa này biết. Mọi người sau đó mang các ông đem thả nơi khác.
Cậu Hai Thanh Sĩ từng sử dụng nơi đây để tiếp nối Đức Thầy truyền giáo lý cho các đồng đạo. Từ đó các thế hệ sau duy trì cho đến bây giờ. Sau chùa có một chuông đồng lớn, tuy nhiên khi mang về chùa, chuông gõ không nghe, mọi người gọi là chuông điếc. Lời đồng đạo thuật lại rằng, khi nào chuông gõ vang là đại nạn tới. Hiện chuông gõ đã nghe vang.
==========
Tây An Cổ Tự
Tây An Cổ tự ở Long Kiến, nay thuộc xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, trước kia là Cốc của ông Đạo Kiến. Chính nơi đây Đức Phật Thầy chỉ dạy cách thờ phượng lễ bái cùng cách thức tu hành cho môn nhơn đệ tử. Điều đặc biệt hơn hết, tấm trần điều được thờ lên nơi ngôi Tam Bảo thay thế cho tượng Phật đầu tiên là ở ngôi cổ tự này.
Vào năm Bính Thìn (1856), trước khi tịch bảy ngày, Đức Phật Thầy cho phép đặt tên cho cốc ông Kiến là Tây An Tự, nhưng về sau người ta gọi ngôi chùa ở Long Kiến là Tây An Cổ Tự.
Hình từ internet |
Vị đệ tử được Đức Phật Thầy sai đi đặt tên chùa có mang theo bốn cây dầu con, đem trồng trước chùa một cây định làm cột phướn, còn ba cây thì trồng ở phía sau chùa.
Năm 1918 cây dầu ở trước chùa bị đốn để làm cầu và cất trường học. Đến năm Đinh Mão (1927), chùa bị phát hỏa làm cho ba cây dầu trồng ở phía sau chùa đều bị cháy nên chết hết.
Cây dầu trồng trước chùa bị chặt hồi năm Mậu Ngọ (1918) đến năm Mậu Dần (1938) nghĩa là hai chục năm sau, cái gốc này tuy đã mục nhưng lại đâm lên một cái chồi. Sau cơn hỏa hoạn, chùa được dời qua mảnh đất kế cận. Qua năm sau 1939, khi Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo, Ngài đã cho phép cất sửa chùa trở về chỗ cũ. Đây là một việc hy hữu nên ngoài việc quí trọng người ta còn sùng ngưỡng cây dầu mới mọc nữa, bởi việc này ứng với lời tiên tri của Đức Phật Thầy Tây An trước kia, ở câu:
“Chừng nào gốc mục lên chồi,
Ta vưng sắc lịnh tái hồi trần gian.”
Vì thế, mỗi khi đến viếng chùa, khách thập phương đều đến chiêm ngưỡng cây dầu mọc lại ở sau cột phướn, xem như một điềm lành, một kỳ tích. Ngoài ra chùa này còn lưu giữ được những bảo vật như mớ tóc của Đức Phật Thầy, một cây quạt lông và ba tàn thuốc lá. Đó là nhờ những người cảm tử xông vào lấy kịp khi chùa bị phát hỏa năm 1927.
Tây An Cổ tự được xem như cổ nhứt và còn giữ được cách thờ phượng đúng với chơn truyền của Đức Phật Thầy, nghĩa là thờ trần điều, tượng trưng cho tinh thần vô vi và lòng bác ái đối với tất cả chúng sanh.
==========
Nam Mô A Di Đà Phật