Chuyển đến nội dung chính

Giấc Mơ: Trên Đảo

Hình từ internet
Giấc Mơ: Trên Đảo
Tháng 8/2016
==========
   Không nhớ rõ ngày, tôi thấy cùng vợ lạc trên biển, chúng tôi dạt vào một hòn đảo, có một ngọn đồi, tôi trèo và kéo vợ theo, khi lên một bậc thì kéo vợ lên, tuy nhiên càng lên cao tôi cảm giác bỏ vợ ở sau mình, khi lên được hơn nữa đoạn, tôi nhìn lại thấy vợ mình còn ở dưới rất xa, tôi nhận ra mình đã bỏ người thân mình phía sau... Giật mình thức dậy...
==========
   Đôi khi trong cuộc sống có nhiều khi vô tình hay cố ý chúng ta cũng bỏ lại phía sau những gì bên cạnh ta...
   Khoảng ghời gian đi làm bên ngoài vì mê sự nghiệp kinh doanh quá, suốt ngày tôi chỉ nghĩ đến làm sao kiếm thật nhiều tiền. Lúc đó tiền chưa phải là nhiều lắm nhưng tôi lại học đòi người khác, việc ăn xài nhiều khi phung phí quá. Những khi đi thị trường vì mê công việc quá quên mất gia đình, vợ tôi phải ngủ ở nhà một mình. Chúng tôi gặp nhau khá ít. Vợ vì muốn giúp chồng mình phải hy sinh khá nhiều, kể cả phải suy nghĩ tìm cách sao cho ra thật nhiều doanh số... Cho dù kiếm được tiền, tuy nhiên vợ chồng vẫn có những mâu thuẫn... Giờ nghĩ lại thấy hối hận quá. Tôi đã tự biến mình thành nô lệ đồng tiền.
   Từ lúc hiểu Phật Pháp tôi như bừng tỉnh sau cơn mê, tất cả những ham muốn vật chất từ từ rồi tôi cũng bỏ lại phía sau. Tôi biết yêu quý gia đình mình hơn. Thời gian mình dành cho gia đình ít quá. Bây giờ công việc đã ổn định. Tôi không còn bon chen như người khác nữa. Tôi thường nói với mọi người, Ông Trời cho tôi bao nhiêu tôi lấy bấy nhiêu. Ngoài gia đình ra tất cả tôi dành cho Đạo, cho con đường giải thoát của mình.
Hình từ internet
   Phần này nguồn từ: https://thuvienhoasen.org/a12725/32-kho-de
   Bát khổ gồm có: sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm thạnh khổ.
1) Sanh khổ: Khi chúng ta còn là thai nhi trong bào thai của người mẹ, thì tình thức đã được phát sinh trong ta và cũng bởi cái tình thức này mà thai nhi có thể thu nhận những cử động cảm xúc. Trong 9 tháng 10 ngày, thai nhi bị giam hãm trong cảnh tối tăm, chật hẹp, thì làm sao mà gọi là sung sướng cho được. Đó là chưa kể khi người mẹ ăn thức nóng vào, thì thai nhi cảm thấy như bị ai nung đốt. Còn khi người mẹ ăn thức lạnh vào, thì thai nhi cảm thấy như đang ở trong băng giá. Mẹ ăn no, thì con bị ép khó bề cựa quậy. Còn mẹ đói khát, thì con long bong lều bều như bay bổng trong không. Đến kỳ sanh sản, thai nhiphải lòn qua ép lại, đau đớn khôn cùng, cho nên khi vừa thoát ra ngoài, thì vội cất tiếng khóc ngay. Bởi mới sinh ra mà đã nếm mùi đau khổ, nên cổ nhân đã có câu:
“Thảo nào lúc mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”.
2) Lão khổ: Phàm là con người, thì không một ai có thể thoát khỏi sự chi phối của luật vô thường. Lúc sinh ra, đến khi lớn lên, rồi cũng phải đến lúc già nua. Khi còn trẻ thì tráng kiện bao nhiêu, bây giờ lúc về chiều, thì tinh thần suy kém, thân thể hao mòn, nên phải khổ cả về thân xác lẫn tinh thần. Cho nên:
“Già nua là cảnh điêu tàn,
Cây già cây cổi, người già người si”.
   Con người khi mà đã già yếu, thì mắt mờ, tai lãng, lưng mỏi, chân run, ăn chẳng biết ngon, ngủ không thẳng giấc, trí nhớ thì lu mờ, cộng thêm da nhăn, răng rụng. Do đó:
“Bao vẻ hào hoa đâu thấy nữa,
Một thân khô kiệt nghĩ buồn tênh”.
   Thêm nữa, càng già thân thể càng suy yếu, thì trí tuệ cũng bị lu mờ, nên mới sanh ra lú lẫn, nhớ trước quên sau, tinh thần không minh mẫn nên sanh ra chưởi bới lung tung. Thật là quá đau khổ.
3) Bệnh khổ: Hễ có thân là có bịnh. Mà đã là bệnh, thì cho dù là bệnh nhẹ như đau răng, đau bụng, nhức đầu… còn bệnh nặng như đau gan, đau thận, ung thư…Thảm hại hơn nữa, còn có nhiều căn bệnh ngặt nghèo làm cho bệnh nhân sống dở chết dở. Sống thì đau đớn từng cơn, còn muốn chết thì cũng không thành ước nguyện. Nhớ ngày xưa ở quê nhà, có người sau một trận đau, phải bán nhà trả nợ, đó là chưa kể hễ một khi trong nhà có người đau thì cả gia đình buồn rầu, lo sợ.
4) Tử khổ: Phàm là con người, thì ai ai cũng tham sống sợ chết. Những người giàu sang, sung sướng, thì họ sợ chết không nói làm chi còn những kẻ sống khổ cực, khốn cùng, đầu tắt mặt tối, mà họ lại càng không muốn diện kiến với Diêm vương. Oái oăm thay, những kẻ vướng lấy những bịnh nan y, hiểm nghèo, mà họ luôn luôn bám víu lấy sự sống và từ chối không muốn gặp gỡ tử thần.
   Nhưng ”Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?” và câu trả lời vẫn là không. Dầu muốn, dầu không, chưa có một người nào trên thế gian này đã thoát khỏi bàn tay lông lá của tử thần cả.
   Người sắp chết, thì tấm thân bấn loạn, nỗi lo cho gia đình con cái thiếu người chăm sóc, nỗi lo cho thân mình đi vào một thế giới cô đơn, vắng lạnh, tương lai thì mù mịt, đen tối. Tâm thì sợ hãi, còn thân thì đau đớn. Trước khi chết, mắt thì trợn ngược, gân thì giựt, bẻ tay, bẻ chân, trông thật đau khổ vô cùng. Khi mà nhắm mắt xuôi tay, thì thân thể cứng đơ, lạnh ngắt. Thế thì chết là khổ.

5) Ái biệt ly khổ: Không gì đau khổ cho bằng xa cách người mình thân yêu. Còn nhớ sau chiến cuộc 1975, hàng trăm ngàn người đã bỏ nước ra đi, để lại biết bao vợ, con, thân bằng quyến thuộc bên kia bờ đại dương. Chiến tranh đã tạo ra cảnh kẻ bên nầy trông đợi, người bên kia nhớ chờ. Thật là đau lòng xót dạ, bởi thế có người phải thốt rằng:”Thà tử biệt chớ ai nỡ sanh ly”. 
   Nhưng có chắc là tử biệt đỡ hơn sanh ly hay không?
   Thủa còn ở quê nhà, chiến tranh đã vô tình cướp đi đời sống của những người trai trẻ và để lại rất nhiều cảnh tang tóc thương tâm như những góa phụ bồng con thơ ra thăm mộ chồng. Nếu người nằm xuống mà có ngày trở lại, thì dù có đợi 5 hay 10 năm thì vẫn còn hạnh phúc hơn là ngàn năm vĩnh biệt. Vậy sanh ly hay tử biệt cũng đều chung số phận khổ đau mà thôi.
6) Cầu bất đắc khổ: Ở đời, hể trèo cao thì té nặng. Hy vọng càng cao, thì thất vọng càng nhiều. Nhưng phàm là con người, thì lúc nào chúng ta cũng muốn làm cái nầy, đoạt cái nọ. Có cái dễ dàng thì chóng thành công, còn cái khó khăn thì chúng ta thất bại. Nghèo thì ta muốn được giàu, xấu thì ta muốn đẹp, ngu si thì muốn thành thông thái, chưa con thì muốn có con. Nhưng thông thường danh vọng vẫn là miếng mồi ngon mà con người thường hay đeo đuổi. Dầu cho cố gắng bằng mọi khả năng, tài trí, dù chánh đáng hay bằng thủ đoạn lưu manh, biết bao anh hùng đã lụy về bả công danh này. Vì thế mà người xưa đã mỉa mai bằng câu:
“Gót danh lợi, bùn pha sắc xám,
Mặt phong trần nắng nám mùi dâu”.
   Những người thất vọng về công danh đã nhiều, mà lắm kẻ thất bại về phú quý cũng không phải nhỏ. Muốn làm giàu, nhiều kẻ bất chấp mọi thủ đoạn đê hèn, thâm độc; nay bày chước này, mai vẽ mưu kia miễn sao cho túi được mau đầy. Nếu không may bị bại lộ, thân thì lao tù, còn tài sản bị tịch thu. Còn khổ nào bằng!
   Công danh đã khổ, phú quý thì chẳng dễ gì, vậy còn tình duyên thì thế nào?
   Tình yêu! Ôi tình yêu! Tình yêu ở xa như là hạt kim cương, mà đến gần là giọt nước mắt. Trong trường tình ái, thử hỏi có mấy ai được toại nguyện? Ngay cả nhà thơ Hàn Mạc Tử còn phải than thở rằng:
“Người đi một nữa hồn tôi mất,
Một nữa hồn kia bỗng dại khờ” 
7) Oán tắng hội khổ: Thói thường, chúng ta đau khổ khi phải xa lìa người thương yêu, nhưng oái oăm thay, chúng ta chẳng sung sướng gì khi phải chung sống với người mình không ưa, không thích. Thật vậy, chính cổ nhân cũng nói:
“Thấy mặt kẻ thù, như kim đâm vào mắt, 
Ở chung với người nghịch, như nếm mật nằm gai”
   Khi đã sanh lòng thù nghịch nhau, mà phải sống bên cạnh nhau, thì cũng có ngày xảy ra đại họa.
8) Ngũ ấm thạnh khổ: Ngũ ấm hay còn được gọi là ngũ uẩn, có nghĩ là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc thì thuộc về thân; còn thọ, tưởng, hành, thức thì thuộc về tâm. Chúng ta đã thấy thân thì khổ vì sinh, lão, bịnh, tử, đói, khát, nóng, lạnh, còn tâm thì giận, buồn, trăm điều phiền lụy. Thân thì vô thường, còn tâm thì vô ngã cho nên ngũ ấm biến đổi quay cuồng làm cho chúng ta đã đau khổ càng thêm khổ đau.
Để cho dễ nhớ chúng ta tạm chia bát khổ làm ba phần là:
   · Khổ về Thân thì có: Sinh, Lão, Bịnh, Tử.
   · Khổ về Tâm thì có: Ái biệt ly khổ, Oán tắng hội khổ, Cầu bất đắc khổ.
   · Khổ cả Thân và Tâm: Ngũ uẩn thạnh khổ.
   Trên đây là phần đại cương của bát khổ mà Đức Phật đã đưa ra trong phần Khổ đế. Không phải Đức Phật nói những cái khổ này để chúng sinh tăng thêm nỗi khổ, hay là:
“Thôi thà đừng biết cho xong, 
Biết bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu”dễ nhớ 
Hoặc là:
“Chuyện đời thấy vậy thì hay vậy. Thà ẩn non cao chẳng biết nghe”.
   Nhưng chính Đức Phật muốn cho chúng ta biết rõ những nỗi khổ ở trần gian để biết cách đối phó khi phải đối diện với nó và sau cùng là phải tìm phương pháp nào để tiêu diệt tất cả những cái khổ đả mang lại sự phiền não cho chúng ta bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp để xây dựng lại một cuộc sống an vui, tự tại.
Nam Mô A Di Đà Phật

Được Xem Nhiều

Hít Vào Tâm Phẳng Lặng, Thở Ra Miệng Mỉm Cười

Chánh Đạo: Hít Vào Tâm Phẳng Lặng, Thở Ra Miệng Mỉm Cười Ngày 8/9/2016 ==========     T rong lúc mọi người đang chuẩn bị cho lễ cưới của người cháu vợ, tôi tranh thủ chạy đến tịnh xá Lan Nhã Kỳ Viên, trước là cúng lạy, hai là tôi hy vọng gặp được sư phụ để giúp tôi giải được khúc mắc trong tâm mình.       Phong cảnh nơi đây yên tĩnh, vắng lặng, mát mẽ. Tôi bước vào chánh điện lạy Phật. Trong quá trình cúng lạy tôi nghe giọng một người nữ đang trò chuyện cùng sư trụ trì. Hôm nay tôi đã có may mắn gặp sư phụ rồi (đây là lần thứ hai tôi được gặp, lần đầu gặp sư phụ khi tôi 11 tuổi lúc đó ba vừa mất). Vào đảnh lễ tổ Minh Đăng Quang, tôi cầu nguyện sự gia hộ để có thể dẹp bỏ được những vọng tưởng, chiến thắng tham sân si. Tôi lễ bái xong, ngồi xuống, thì bổng nhiên người nữ lúc nãy hỏi sư phụ cách diệt trừ sân hận trong lòng. Rồi tôi nghe một câu pháp: "Hít vào tâm phẳng lặng, thở ra miệng mỉm cười" . Tôi vui mừng lắm, câu này rất đúng với tâm ý của mì...

Ngũ Nguyện Cầu

Chánh Đạo: Ngũ Nguyện Cầu Tháng 11/2016 ==========       T rung tuần tháng 11 này tôi cùng gia đình về Vườn Bồ Đề dự khóa tu 49 ngày (tôi chỉ dự được 3 ngày cuối). Bấy lâu nay bản thân thường thắc mắc không hiểu lắm bài Ngũ nguyện cầu của Đức Thầy chỉ dạy, bài cúng như thế này: Nam mô nhứt nguyện cầu: Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhơn Hoàng, Liên Hoa Hải Hội, Thượng Phật từ bi, Phật vương độ chúng, thế giới bình an Nam mô nhị nguyện cầu: Cửu Huyền Thất Tổ tịnh độ siêu sanh Nam mô tam nguyện cầu: Phụ mẫu tại đường tăng long phước thọ thọ, phụ mẫu quá khứ trực vãng Tây Phương Nam mô tứ nguyện cầu: Bá tánh vạn dân từ tâm bát ái, giải thoát mê ly Nam mô ngũ nguyện cầu: Phật Tổ, Phật Thầy từ bi xá tội đệ tử tiêu tai tịnh sự, trí huệ thông minh giai đắc đạo quả     Tôi thường thắc mắc tại sao nguyện đầu tiên cầu cho thế giới, mãi đến nguyện thứ tư mới đến bá tánh vạn dân, chính giữa lại ...

Vượt Qua Thử Thách

Vượt Qua Thử Thách 24/10/2019   -----------------------     Từ trẻ cô đã biết đến Phật Pháp, tu hành khá tinh tấn. Sau khi lập gia đình, do bận bịu cuộc sống việc tu hành bị gián đoạn. Tôi biết đến cô nhờ một chuyến đi công tác. Gặp cô tôi cảm thấy rất thân thiện. Tuy nhiên trên khuôn mặt của cô luôn thể hiện sự sầu muộn, lo lắng. Các con của cô công việc chưa ổn định, người con trai không tích cực làm việc như mọi người, gây rất nhiều phiền não đến cho cô. Gia đình cũng không dư dả gì. Tôi với cô rất thân thiết như người trong gia đình.    Năm 2012 cô thấy sức khỏe yếu hẳn, đi kiểm tra, phát hiện mình bị ung thư. Cô hơi rối trí. Gian đoạn này gia đình đang có những trục trặc, khó khăn, tiền nong không có nhiều. Cô được đưa vào Sài Gòn chữa trị. Căn bệnh hành hạ cô rất nặng nề, lại thêm con cái chưa ổn định nên tinh thần của một người mẹ như cô càng bế tắc hơn. Mọi thứ bắt đầu đổ dồn về cho cô. Vì khó khăn về tiền bạc, nên cô dự định bán nhà, một phần dành ...