Niệm Phật: Thời Công Phu
=============
Từ lúc tập tu, tôi ngày càng hăng say, vì thấy đây chính là điểm đích của cuộc đời mình. Tôi nghĩ bản thân cần tăng thời gian niệm Phật nhiều hơn, nên quyết định phải thức sớm, nhưng việc thức sớm không phải dễ dàng gì. Tôi cố gắng để được 2 thời công phu, tối và sáng, 1 giờ đến 1g30/lần. Giai đoạn đầu thức cực kỳ khó, thức không nổi, tôi phải dùng cách chỉnh đồng hồ, cứ mỗi tuần thức sớm thêm năm phút,... Một thời gian sau, tôi cũng thức được lúc 3g sáng. Đồng hồ của tôi cũng từ đó chỉnh sớm hơn khoảng 15-20ph.
Tôi nghĩ đã thức thì không được nằm nữa, nên ngồi trên ghế niệm Phật, có khi mệt mỏi, buồn ngủ rất nặng nề, phải dựa vào ghế, nhiều lúc ngủ ngồi. Tìm nhiều cách để tỉnh táo, như: xoa mặt, gáy, vận động, kể cả tắm... Giai đoạn này bị hôn trầm và thụy miên (buồn ngủ, ngủ gục, uể oải, mệt mỏi) hành hạ rất nặng nề, nhiều lần muốn bỏ cuộc. Phải đấu tranh với bản thân rất nhiều... Rồi sự cố gắng của tôi cũng được đền đáp. Có nhiều ngày rất tỉnh táo, khỏe khoắn, tôi trì niệm rất hăng say, đây là điều tốt, có được 1 lần tức sẽ có nhiều lần vậy. Giai đoạn này chủ yếu là trì chú.
Từ lúc tôi thức sớm niệm Phật có nhiều điều lạ, có lẽ do năng lực tu tập của mình còn yếu nên có nhiều chư vị đã đến giúp đỡ. Tôi thường hay nằm mơ mà những giấc mơ thường nhắc nhở tôi thức dậy để công phu niệm phật, tôi đã ghi lại một số giấc mơ này trong phần "giấc mơ"...
Phải có ý chí mới làm được việc mình mong muốn, cũng như có quyết tâm mới thoát khỏi luân hồi.
==========
Chuyện Bên Thầy: Tu Tiến Chớ Tu Lùi
Lúc Đức Thầy ở Sài gòn có hai bà Huỳnh Thị Cưởng và em thứ tư là Huỳnh Thị Lịnh ở Tòng Sơn. Sau khi được quy y với Đức Thầy, hai bà về nhà cố gắng lo tu thân hành thiện. Hằng ngày thường xem Sấm Giảng của Đức Thầy là một quyển kinh nhựt tụng, khi đọc đến câu:
"Chay bốn bữa ấy là quy tắc,
Của kẻ Khùng chỉ dắt chúng sanh."
(Quyển 4 Giác Mê Tâm kệ)
Thì hai bà bàn tán với nhau. Bà Hai nói với bà Tư:
-Dì Tư à! Thầy bảo “Chay bốn bữa ấy là quy tắc”, mà mình ăn sáu ngày, lại ăn thêm mỗi năm ba tháng nữa, sợ e trái lời Thầy có lỗi.
Bà tư nói:
-À! Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng từ khi chưa quy y mình ăn theo truyền thống của cha mẹ theo Thiền Lâm, bây giờ đã quy y với Đức Thầy thì phải ăn lại bốn ngày, chứ ăn dư sợ có lỗi quá chị.
Hai bà ngẫm nghĩ rồi nói:
-Muốn biết rõ hơn, chị em mình nên đi lên Sài gòn, trước thăm Đức Thầy, sau nhờ Thầy dạy cho mình biết, coi nên để y hay sửa lại.
Bàn tán xong, vài ngày sau hai bà đi đến Sài gòn. Khi ra mắt Đức Thầy, bà Tư lẹ miệng bạch:
-Bạch Thầy, chị em con lên thăm Thầy và nhờ Thầy dạy cho chúng con biết một việc. Nguyên trước kia chưa quy y với Thầy, chị em con ăn chay theo Thiền Lâm, một tháng sáu ngày, với ba tháng Tam Nguơn. Nay Thầy dạy ăn bốn ngày, vậy bây giờ chúng con ăn bớt lại hay là ăn luôn, nhờ Thầy chỉ dạy.
Nét mặt từ bi, Đức Thầy mĩm cười bảo:
-Thuở nhỏ cô đi học lớp mấy trước nhứt?
-Dạ Bạch Thầy, đầu tiên con học lớp Năm.
Đức Thầy hỏi:
Rồi năm sau cô học lớp mấy?
Bà Tư bạch Thầy:
-Năm sau con học lớp Tư.
Đức Thầy dạy:
-Ờ! Mới thì học lớp Năm, sau lớp Tư, rồi đến lớp Ba, Nhì, Nhứt. Nên nhớ là càng học càng lên, chớ không ai học xuống bao giờ. Sự tu cũng vậy, các cô ăn mỗi tháng sáu ngày, một năm ba tháng là tốt lắm, cớ sao đổi ăn bớt lại? Sở dĩ Thầy dạy chay bốn bữa đó là nguyên tắc đầu tiên của người sơ học, phải tùy trình độ của họ mà cho họ tập sự theo điều kiện tối thiểu. Rồi khi trình độ giác ngộ khá thêm sẽ từ từ tiến, chớ chẳng lẽ ở một chỗ hoài sao? Nên nhớ tu là phải tu lên chớ đừng tu xuống nhé!
(Thuật theo lời của cô tu sĩ Lý Mỹ Phước, con gái bà hai Huỳnh thị Cưởng)
* Ghi chú: Thời đó lớp học tính ngược: lớp Năm là lớp thấp, rồi đến lớp Tư, Ba, Nhì, Nhất.
---------------
Nam Mô A Di Đà Phật