Ngày 7/12/2016
Một giáo viên lớn tuổi vừa về hưu, cô cũng vừa đạt kết quả tốt trong kỳ thi chuyên ngành của mình, chưa kịp ăn mừng thì phát hiện bị bệnh ác tính, tinh thần suy sụp, đau khổ. Cô đến gặp tôi, than vãng, mấy chục năm ăn lương nhà nước, chưa từng sử dụng bảo hiểm y tế, sức khoẻ rất tốt, nay vừa mới nghỉ hưu phát hiện bệnh buồn quá...
Tôi khuyên cô mỗi người đều không thoát khỏi bệnh, sớm hay muộn gì cũng có. Dù có đau đớn, cũng phải cố gắng niệm Phật, trì chú. Nằm, ngồi, đi, đứng gì cũng được, quan trọng là phải thành tâm, một lòng một dạ. Tôi khuyên cô cố gắng giữ tâm an lạc. Cô nói bệnh như thế này thì làm sao an lạc được. Tôi phân tích ba loại bệnh cô đang mắc: tâm bệnh, thân bệnh, nghiệp bệnh. Tâm bệnh cô có thể điều phục được, bằng cách đối diện với nó, chấp nhận nó như một người bạn, luôn nghĩ chuyện tích cực, hướng về những điều tốt đẹp... Nghiệp bệnh do nghiệp từ muôn kiếp trước đến nay, nó luôn đeo đẳng mình như hình với bóng, nhưng mình vẫn có thể chuyển hoá nó bằng việc tu tập, niệm Phật, trì chú, làm việc thiện, công đức... Còn thân bệnh thì phụ thuộc việc điều trị và thân thể của cô. Như vậy trong 3 loại bệnh cô đang mắc cô có thể chiến thắng được 2 thứ rồi, mà thắng được 2/3 thì cũng như là chiến thắng toàn bộ, vậy cô đâu cần phải bi luỵ đến thế...
Cô cảm ơn lời khuyên của tôi. Cuối buổi nói chuyện tôi tặng cô tài liệu về cách chuyển hoá căn bệnh (của một bệnh nhân - trong câu chuyện "Niệm Phật bao nhiêu câu một ngày - Đạo và y" - nhờ tôi gởi tặng cho các bệnh nhân khác).
Hãy xem hôm nay là ngày cuối cùng của mình, như câu "Nhất nhật quán", chuẩn bị tất cả mọi thứ để sẵn sàng ra đi. Có như thế thì dù việc gì xảy đến thì chúng ta vẫn an nhiên tự tại. Bởi chúng ta là con Phật, chúng ta có một con đường để đi, một nơi để đến đó là Tịnh Thổ A Di Đà.
Nam Mô A Di Đà Phật