Quay Về Với Chánh Niệm
Đạo và Y
--------------
Ngày 24/10/2019
Đạo và Y
--------------
Ngày 24/10/2019
Bác là một trong những người đầu ngành về Y khoa. Đáng là thầy tôi, tuy rằng tôi chưa gặp ngày nào. Hôm nọ tôi có cơ hội gặp, nhưng bác đã trở thành bệnh nhân. Bác là người hiền từ, trầm lặng. Bao nhiêu năm hy sinh cho y khoa, chưa dành riêng cho tâm thức của mình. Hôm nay chúng tôi gặp nhau, tôi khuyên nhủ bác quay về tâm thức của mình, dành thời gian cho Đạo. Tuy về y khoa, tôi đáng là học trò của bác, nhưng về con đường giải thoát thì tôi rõ hơn,nên chia sẻ. Tôi nói, bác làm người tốt giúp người khác chỉ là “bước cơ bản”, điều kiện “cần” của Đạo, tuy nhiên điều kiện “đủ” là phải có một phương pháp hành trì để giúp mình vươn xa hơn, thoát khỏi phiền não, thoát khỏi luân hồi...
Lần gặp sau, tôi đã tạo cơ hội cho bác mở cánh cửa tâm linh, con đường của sự thức tỉnh. Tôi chỉ bác app của Thầy Thích Nhất Hạnh, khuyên bác dành thời gian đọc, tìm hiểu. Tôi cũng không quên hướng dẫn cách hít thở, chú ý quan sát, lắng nghe hơi thở của mình. Hít vào biết mình hít vào, thở ra biết mình thở ra. Quan sát đường đi của hơi thở, quay về với chánh niệm.
Sự đáp ứng điều trị của bác khá tốt, tôi mừng cho bác. Dĩ nhiên tôi không quên hỏi thăm bác có thực hiện hít thở theo lời hướng dẫn của Thầy Thích Nhất Hạnh không. Bác trả lời có thực hành, được 5-10 phút. Tôi khuyên bác cố gắng tiến bộ hơn. Nếu mình chỉ quan tâm tới sức khỏe thì chỉ cần tịnh tọa 15-30 phút là được, còn nếu muốn tiến xa hơn nữa thì cố gắng hơn 30 phút, lúc đó tâm mình mới lắng xuống, mới cảm nhận được sự an lạc, đã đi thì đi cho tới đích.
Bác nói khi tịnh tọa thì ý nghĩ nhảy lung tung. Tôi nói đó là vọng niệm, vọng niệm đó cũng chính là mình, điều phục được nó sẽ rất hạnh phúc, an lạc. Để điều phục vọng niệm, tôi chia sẻ phương pháp: nhận diện nó, gọi tên nó và hướng dẫn nó quay về với chánh niệm. Ví dụ, như mình đang tịnh tọa, đầu óc nghĩ đến một nơi khác, một việc gì đó, chúng ta đừng kéo nó về ngay, mà nên từng bước. Đầu tiên xác định nó là vọng niệm, hãy xem nó như một con cún con, rồi đặt cho nó cái tên, xác định được nó xong thì bắt đầu hướng dẫn đường đi cho nó quay về chỗ mình, từ từ từng bước, từng bước. Khi tập những điều này lúc đầu chưa quen, nhưng rồi sẽ quen. Khi quen rồi, chỉ cần gọi tên vọng niệm thì tự ắt nó sẽ chạy về với mình. Đừng nên dồn ép nó, điều đó sẽ làm hại mình.
Tôi nói với bác về nguyên lý “không hai” (không phải là một, mà là không hai) hay trung đạo. Nếu chúng ta muốn vui thì tự ắt sẽ có buồn, khi có buồn thì tự ắt sẽ có vui, do đó an lạc là trạng thái không vui cũng không buồn, là cái chúng ta cần đạt tới. Bác nói, như vậy là trong cái “Có” có cái “Không”, trong cái “Không” lại có cái “Có”. Tôi gật đầu. Vì vậy khi tịnh tọa đạt đến thiền định thì mình sẽ đạt sự tỉnh thức, là mình đang tiến sâu hơn vào Đạo Giải Thoát rồi. Tôi nói với bác, Thầy Thích Nhất Hạnh là một bậc A-La-Hán chứ không phải là vị tu hành bình thường (tôi biết điều này nhờ cảm nhận “Năng lượng của tình yêu thương” trong mục Niệm Phật) hãy nương theo lời dạy của Ngài mà hành trì. Chiều hôm đó, tôi tranh thủ mua vài quyển sách của Thầy Thích Nhất Hạnh tặng cho bác (tôi không dám chần chừ vì đã có kinh nghiệm trong mẫu chuyện “Tặng sách”, mục Đạo và Y). Tôi hy vọng sẽ gặp và nhắc nhở bác hành trì thường xuyên để vào biển lớn.
------------------
“Nếu ai mà biết chữ tu trì,
Tâm bình tịnh được thì phát huệ.
Ta yêu chúng viết ra Giảng Kệ,
Khuyên tăng-đồ cùng các tín-đồ,
Nghe cạn lời chớ có mờ-hồ,
Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc Đạo”
----- Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Nam Mô A Di Đà Phật