Nhật Ký: Cảm Và Ứng 3
(Ghi lại để mọi người đọc qua có thêm niềm Tin tu tập)
==========
1. Hôm nay 21/11/2019, sáng nay ngồi nói chuyện mọi người, chợt nghĩ đến cơm chay có người tặng (vừa khởi niệm là ngưng lại vì nghĩ như thế sẽ không tốt, dễ đâm ra tự mãn, mất phước phần của mình). Nên chỉ nói với mọi người là tìm dùm phần cơm chay. Mọi việc diễn ra bình thường. Đến chiều khoảng gần 16g, người đồng nghiệp được cho 2 suất ăn có phần nuôi chay. Nhìn thấy nên xin anh ta 1 phần nuôi. Đem vào phòng thì chợt nhớ lúc sáng mình có khởi niệm được tặng thức ăn chay...
Hình từ internet |
==========
2. Ngày vía Đức Quán Thế Âm vừa rồi, trong đầu nghĩ sẽ đi chùa lễ Quán Âm. Vì lý do gì đó không đi được, cứ nghĩ cúng lạy ở nhà. Tuy nhiên đúng ngay ngày lễ vía (thứ 7 hay chủ nhật) một bà dì hàng xóm rủ đi chùa lễ Phật, một vị sư sắp rời chùa nên làm bữa ăn chia tay. Thế là chở vợ đi cùng. Đến chùa thấy mọi người cúng mới nhớ hôm nay lễ vía Quán Âm, thì ra đã nghĩ đi chùa vía Quán Âm rồi thì không tránh được đâu. Tôi tự mỉm cười.
Nói về ngôi chùa này cũng là lạ. Lần đầu tiên thấy nhiều vong khóc xỉu lên xỉu xuống. Câu chuyện như thế này:
Chùa đó có người trụ trì là vị sư trẻ hiền từ, rất tốt. Đệ tử xuất gia không biết được bao nhiêu, tuy nhiên hàng Phật tử thì khá đông. Mọi người tập trung lại làm lễ cúng lạy Đức Quán Âm, tôi cũng tranh thủ được một thời cúng lạy. Sau khi cúng xong, trụ trì nói lời chia tay với mọi người. Vài ngày nữa là sư phải đi nơi khác, khuyên mọi người ở lại tu hành... Chùa không phải của giáo hội mà là của tư nhân, gọi là chùa tư, bây giờ gia đình người ta muốn lấy lại. Trước đây gia chủ, có thể đời ông bà, xây chùa này để tu hành. Có lẽ ông bà đã mất, con cháu sau này không có người kế thừa, không người giữ chùa, nên rất ít Phật tử. Thời gian sau vị sư trẻ này về trụ trì, chắc vì công đức của sư lớn, nên rất nhiều Phật tử đến, trong đó có khá nhiều vong nương xác người thân đến quy y, tu hành. Chẳng biết lý do vì sao gia đình lấy chùa lại. Sư phải ra đi. Các vong nghe nói thế khóc như mưa, xỉu lên xỉu xuống, lần đầu tiên trong đời tôi thấy các vong khóc như thế...
Cũng lạ thật... Ở Sài Gòn tấc đất tấc vàng mà, khó lắm...
==========
Hình từ internet |
3. Cũng lại câu chuyện chùa tư. Khoảng thời gian tôi mới quy y Tam Bảo, chưa hiểu nhiều về Phật Pháp, thỉnh thoảng đi chùa cúng lạy. Hôm đó nhân chuyến đi từ thiện khám bệnh tại chùa miền quê. Chùa cổ kính, vách tường cũ kỹ. Bước vào chánh điện nhìn lên mái ngói, ôi thôi có lẽ nó sắp sập thì phải, rất nhiều chỗ chắp vá. Nhìn chùa tôi thắc mắc chẳng lẽ không đủ tiền đóng góp để sửa sang lại hay sao. Nếu không đủ tôi sẽ cố gắng kêu gọi đóng góp 1 phần. Để như thế này nguy hiểm quá. Ý nghĩ lẩn quẩn trong đầu, tôi cúng lạy xin lời giải thích. Lời cầu xin chân thành được đáp ứng. Cuối cùng cũng có người giải thích cho tôi biết được lý do (đó là thầy đã quy y cho tôi trong một lần trò chuyện):
Đây là chùa tư, đã xây lâu năm rồi. Trước đây là ông bà trong gia đình tu, sau khi chết, không người nối tiếp nên mới cho các trụ trì nương nhờ. Kinh phí xây chùa không thiếu. Trụ trì đã thuyết phục chủ nhà cho xây dựng hoặc sửa sang, tuy nhiên gia chủ chưa đồng ý, có thể do các sư cô chưa được lòng của họ. Còn một điều nữa, muốn xây hoặc sửa sang chùa thì phải vào giáo hội Phật giáo, mà nếu vào giáo hội thì toàn bộ chùa và đất không còn quyền sở hữu của gia đình. Trong khi đó mồ mả ông bà còn ở khuôn viên chùa, mà không vào giáo hội thì cũng khó mà xin giấy phép xây cất. Đúng là khó khăn thật.
Tôi nghe câu chuyện xong, thành tâm nói với thầy của mình cố gắng giúp ngôi chùa đó dù không xây thì sửa lại chút ít cũng được, nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng người tu hành... Qua câu chuyện tôi bắt đầu cảm nhận lời cầu xin chân thành vì việc thiện thì luôn có Bồ Tát che chở, gia hộ...
==========
Có Cảm thì có Ứng
Nam Mô A Di Đà Phật