Chánh Đạo: Rác
==========
Khi chưa hiểu Phật Pháp, có lần tôi vào một quán chay ăn, gặp được 3 người lớn tuổi, qua quá trình trao đổi tôi nói: "Mỗi khi nóng giận con thường nhìn hình Đức Quán Thế Âm để nén lại cơn giận của mình, hình Đức Quán Thế Âm con để trên điện thoại...). Khi tôi nói ra điều này chú ngồi đối diện với tôi nói: "Con rán nhìn đi, thời gian nữa con điên loạn và khùng mất".
Tôi rất ngạc nhiên, sau đó chú nói tiếp: "Đầu của mình như cái tủ, cái thùng, cơn nóng giận giống như rác, nếu con nóng giận rồi nén rác vào thùng, vào tủ thì lâu ngày tủ sẽ bung ra, đầu mình chứa đầy rác".
Chú dạy tôi phải biết chuyển hoá nó thành những thứ có lợi cho mình hoặc không xem nó là rác thì mình sẽ thoải mái tự do, không nặng nề, cuộc sống sẽ tốt hơn...
Khi nghe những lời này tôi bắt đầu mới hiểu về chuyển hoá sân hận.
Sân hận của chúng ta như một mồi lửa có thể thiêu đốt một rừng công đức, do đó phải biết chuyển hoá nó, kiểm soát nó, mới không làm tổn thương mình và người khác.
* Chúng ta đi từ rác thực tế để tìm hiểu:
- Rác, chất thải là những thứ thải ra trong cuộc sống có thể nhìn thấy hoặc không. Đa phần là không có lợi ích nữa nên mới bị đào thải ra. Nếu chúng ta biết phân loại rác, thu thập chúng và biến chúng thành những thứ có lợi thì sẽ giảm thiểu được rác. Đó là chuyện của rác, chất thải.
* Bây giờ quay về tâm của mình: Rác hay phiền não, đau khổ... từ trong tâm chúng ta mà ra. Nó bắt nguồn từ nghiệp tiền kiếp và cuộc sống hiện tại. Trừ những bậc xuất thế thị hiện hay những bậc đắc đạo thì không còn phiền não, đau khổ, còn tất cả còn lại không ai mà tránh được phiền não cả. Nó chính là rác. Tôi là con người bình thường, cũng đầy dẫy rác trong đầu. Từ lúc hiểu Phật pháp thì huân tập để dẹp bỏ bớt. Đây là một số kinh nghiệm bản thân:
A. Quán xét bản thân từng lời nói, hành động khi chúng ta bị phiền não, điều này rất khó, nhưng cố gắng sẽ làm được (bạn có thể ghi lại tất cả phiền não mình mắc phải, thời gian sau đọc lại, cảm thấy rất buồn cười, ngu ngốc):
- Phiền não này tên là gì: đặt cho nó cái tên. Đứa con đầu tiên thì chưa có kinh nghiệm nuôi, nhưng từ đứa thứ 2, 3 trở đi kinh nghiệm nhiều hơn. Những cái tên ta đặt gần giống nhau thì cách chuyển hóa cũng tương đồng nhau.
- Nó đi vào tâm ta bằng con đường nào: 6 giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nghĩ. Thông thường qua mắt, tai, ý nghĩ là nhiều nhất (nghe chướng tai, nhìn chướng mắt, nghĩ tiêu cực). Đây là 3 con đường yếu nhất. Con đường nào yếu thì cho lính canh giữ chặt chẽ. Giặc thường tấn công vào chỗ yếu của ta. Do đó phải bảo vệ điểm yếu của mình.
- Nguyên nhân nào làm ta phiền não: phải tìm cho được gốc rễ của nó. Giống như phim Tây Du Ký, Tề Thiên muốn diệt yêu quái phải tìm gốc của nó ở đâu. Rất quan trọng. Như ta đi mua thức ăn lúc giảm giá, khuyến mãi nhiều thứ, khi ăn không ngon đâm ra khó chịu rồi cự cãi... Gốc của vấn đề là tham. Xác định được thì rút được kinh nghiệm được, lần sau sẽ không bị tái phạm. Hay 1 vấn đề khác, người bị khó khăn tiền bạc, mượn tiền mình xong rồi vịt nợ luôn. Mình đâm ra phiền não khó chịu. Gốc rễ vấn đề là chấp vào cái của ta (tiền của ta, tài sản của ta)... Tìm được nguyên nhân mới trị nó dứt hẳn được, còn không thì nó diễn ra hoài.
- Hậu quả của phiền não: cho bản thân, người xung quanh ta, luân hồi sanh tử...
B. Pháp hóa giải:
1. Thời gian: Trì hoãn được thì cứ trì hoãn, có nhiều thời gian thì tâm ta bình hơn, quyết định tốt hơn. Thời gian là liều thuốc rất tốt trong nhiều trường hợp.
2. Tìm việc khác để làm: Tốt nhất nên tìm việc tốt để làm như phóng sanh, làm từ thiện... Hiện nay để tìm những bất an, căng thẳng của trẻ nhỏ người ta thường cho các em vẽ tranh, bức tranh chính là tâm trạng của đứa bé. Khi bé vẽ bức tranh thì những căng thẳng sẽ được tỏ bày... Chúng ta cũng thường hay chơi thể thao, tập thể dục, nghe nhạc... khi có những căng thẳng bất an. Trong quá trình đó ta chỉ tập trung vào công việc đó nên mọi thứ phiền não sẽ vơi đi.
2. Tìm việc khác để làm: Tốt nhất nên tìm việc tốt để làm như phóng sanh, làm từ thiện... Hiện nay để tìm những bất an, căng thẳng của trẻ nhỏ người ta thường cho các em vẽ tranh, bức tranh chính là tâm trạng của đứa bé. Khi bé vẽ bức tranh thì những căng thẳng sẽ được tỏ bày... Chúng ta cũng thường hay chơi thể thao, tập thể dục, nghe nhạc... khi có những căng thẳng bất an. Trong quá trình đó ta chỉ tập trung vào công việc đó nên mọi thứ phiền não sẽ vơi đi.
4. Suy nghĩ hướng tích cực của vấn đề: Tôi lấy trường hợp của bản thân: Sáng nọ tôi lái xe 4 bánh. Đang dừng đèn đỏ (đoạn này qua cầu hẹp, nên chỉ có xe 4 bánh mới dừng, xe 2 bánh được phép chạy), một chiếc xe 2 bánh chạy ngược chiều, tốc độ hơi cao, tránh một con chó, lật tay lái, lao vào xe tôi. Kết quả mốp vài chỗ, gãy nát kính chiếu hậu. Người lái xe 2 bánh qua nói rằng tại con chó nên anh ta mới té. Vợ tôi khó chịu. Tôi im lặng, vẫn bình tĩnh, khép cửa lại tiếp tục đi. Bỏ lại đằng sau những phiền não. Tôi quay sang vợ: "Mình cứ nghĩ làm được việc thiện đi, nếu không có xe này, anh ta đã lao vào đầu trực diện vào xe hơi phía sau mình, lúc đó sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Hư một cái kính nhưng có thể cứu mạng cứu 1 mạng người, lời quá còn gì. Còn chuyện anh ta không tự nhận lỗi vì phóng nhanh là chuyện của anh ta đâu phải chuyện của mình, rước vào chỉ phiền não thêm...". Vợ tôi im lặng, chúng tôi tiếp tục đi làm.
5. Nương tựa: Các vị Bồ Tát, Chư Phật hào quang, năng lượng vô biên, nếu tâm ta bị ô uế, ta xem mình như một đứa bé mới tập đi, nương nhờ hào quang này để từng bước huân tập từ từ, trưởng thành hơn (tham khảo bài Nương Tựa, link: http://vo-nga.blogspot.com/2016/09/nuong-tua.html?m=1). Để có thể nương tựa được, tùy thuộc vào Tín Tâm của chúng ta.
6. Giữ giới luật:
- Đối với Phật tử tại gia giữ 5 giới: Không sát sanh, không trộm cấp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu (hiện nay ngoài rượu còn thêm ma túy). Trước khi nhập Đức Phật Thích Ca đã từng nhắc nhở các đệ tử lấy Giới luật làm Thầy. Lời Phật dạy: "Những ai biết trung kiên giữ gìn ngũ giới, không bất cẩn chểnh mảng, sẽ được thọ hưởng địa vị cao cả và thanh danh trong xã hội, thọ hưởng sức khỏe, thọ hưởng sự giàu sang và phát đạt. Đi đến đâu họ cũng được kính nể. Họ sẽ được tiếp đón trọng thể, ngay cả trước sự góp mặt của những vĩ nhân, của hàng vương giả, hay của các bậc hiền nhân, thông thái và trí tuệ. Tâm họ trong sạch không chút nghi ngại bất an, và sau khi chết họ sẽ đi vào những cõi hạnh phúc.” (Những lời dạy cuối cùng của Đức Phật, theo thuvienhoasen.org).
- Đối với đệ tử Phật giáo Hòa Hảo thì tuân thủ 08 Điều răn cấm. Trong mẫu chuyện bên thầy, Thầy từng nhắc nhở các đệ tử phải tuân theo lời dạy của Thầy ghi trong Sấm Giảng. Lấy đó làm kim chỉ nam để tu hành giải thoát (08 Điều răn cấm, link: https://vo-nga.blogspot.com/2019/11/loi-khuyen-bon-ao.html).
7. Hít thở điều chỉnh nhịp tim: Hít vào bằng mũi, từ từ cho đầy phổi, nín vài giây, rồi thở ra bằng mũi hoặc miệng nhẹ nhàng, làm liên tục. Phương pháp này làm giảm nhịp tim đáng kể. Ngoài đời, những người run sợ trước đám đông thường hay dùng cách này để hết run. Khi lo lắng hay nóng giận áp dụng ngay khá hiệu quả.
8. Thiền định: lắng nghe và cảm nhận hơi thở. Nên tập thường xuyên.
8. Thiền định: lắng nghe và cảm nhận hơi thở. Nên tập thường xuyên.
- Thả lõng cơ thể, hít vào bằng mũi nhẹ nhàng từ từ, cảm nhận hơi thở đi qua mũi, cổ, đến ngực. Hít xong thì thở ra thật nhẹ nhàng, không cần nín thở. Có thể đếm hơi thở: hít vào 1, thở ra 2, hít vào 3, thở ra 4.... đếm đến 10. Sau đó làm lại từ đầu. Khi quen rồi thì khỏi đếm. Thả ý nghĩ của mình theo hơi thở, không để ý nghĩ nảy sinh lung tung. Nếu có suy nghĩ lung tung (vọng niệm) thì phải tập làm lại từ đầu. Cố gắng tập thì sẽ tốt. Có thể thực hiện lúc đi, đứng, nằm, ngồi.
9. Niệm Phật: Khi lo lắng, sợ hãi, nóng giận... chúng ta nên niệm Phật. Niệm 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật, hoặc danh hiệu Phật Bồ Tát nào cũng được. Nên niệm nhanh hơn, niệm tiếng nhỏ, niệm liên tục, không ngừng (tham khảo Tịnh Tọa Niệm Phật, link: https://vo-nga.blogspot.com/2016/09/niem-phat-tinh-toa-niem-phat.html?m=1). Có thể vừa đi vừa niệm Phật (kinh hành). Chỗ nào ồn ào tiếng niệm phải lớn hơn. Lắng nghe tiếng niệm của mình. Niệm càng nhiều thì thiện nghiệp càng nhiều. Phiền não sẽ bị thiện nghiệp lấn át, không có cơ hội trỗi dậy.
"Niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp
Thuyền từ Thầy rước lại Non Bồng"
Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
10. Trì chú: Có nhiều loại chú, tùy theo cơ duyên, căn cơ. Một số chú: chú Dược Sư, chú Đại Bi, Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn... Cách trì cũng giống như Niệm Phật ở trên. Năng lực của chú rất mạnh, chỉ cần ta Tín Tâm, tập trung thì sẽ cảm nhận được năng lực gia hộ của chú.
- Ví dụ: Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn: Om Mani Padme Hum. 6 phiền não (kiêu mạn, ganh tị, dục vọng, ngu si, thèm khát và giận dữ) được tịnh hóa, nhờ vậy ngăn ngừa được sự tái sinh vào sáu cõi luân hồi. Đồng thời thần chú này cũng tịnh hóa các ngã chấp của mình, giúp thành tựu sáu hạnh ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Thần chú còn che chở ta khỏi những ảnh hưởng xấu và bệnh tật.
- Tham khảo thêm Sự Linh Ứng Của Trì Chú, link: http://vo-nga.blogspot.com/2016/07/su-linh-ung-cua-tri-chu.html?m=1
Đó là một số cách giúp chúng ta chuyển hóa rác, có thể phối hợp nhiều cách để chuyển hóa rác, hay phiền não. Tôi đã áp dụng rất hiệu quả.
==========
Phật Và Chúng Sanh Đồng Thể Tánh, Nên Bản Chất Không Có Rác. Do cái "Chấp" mà có rác, nên mới có luân hồi sanh tử là thế. Những Pháp hóa giải cũng đều là hình tướng, rác nó cũng còn lưu lại trong A-lại-da thức. Để thoát khỏi các phiền não hay rác này thì chúng ta cần tu hành tinh tấn. Các pháp: Thiền, Tịnh, Mật là chìa khóa giúp chúng ta thoát khỏi biển khổ luân hồi vậy.
Bồ-đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài.
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?
(Lục Tổ Huệ Năng)
Dịch:
Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi nhơ?
==========
Nam Mô A Di Đà Phật